Góp ý sửa BLHS - Bài 2: Phạt tù chung thân không giảm án?
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2009 đã có bước tiến lớn khi giảm 30 tội có quy định hình phạt tử hình xuống còn 22 tội. Lần sửa đổi này, Bộ Tư pháp tiếp tục đặt vấn đề hạn chế tối đa phạm vi áp dụng hình phạt tử hình.
Tiếp tục hạn chế án tử hình
Theo đó, hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với một số ít trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có tính chất dã man, tàn bạo xâm phạm tính mạng con người (như giết người một cách man rợ, giết người cướp của, giết người hiếp dâm, giết người vì động cơ đê hèn...). Hoặc đe dọa sự tồn vong của Nhà nước (một số tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm trách nhiệm, nghĩa vụ của quân nhân). Hoặc đe dọa nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội và sự phát triển giống nòi (một số tội về ma túy); các tội phạm mang tính toàn cầu, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế (khủng bố, tham nhũng, phá hoại hòa bình, chống loàingười, tội phạm chiến tranh).
Cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng nghiên cứu khả năng áp dụng chế định hoãn thi hành án tử hình để góp phần giảm việc thi hành hình phạt tử hình trên thực tế.
Cho rằng hạn chế áp dụng hình phạt tử hình là xu hướng đúng, ông Phạm Mạnh Hùng (Hiệu trưởng Trường ĐH Kiểm sát) đề xuất: “Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của một số nước. Họ hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình với một số đối tượng như phụ nữ chẳng hạn. Để thay thế hình phạt tử hình, pháp luật nên bổ sung thêm chế định tù chung thân không giảm án”.
Nhiều chuyên gia đồng tình nên bổ sung thêm chế định tù chung thân không giảm án để thay thế hình phạt tử hình. Ảnh: HTD
Đề xuất này của ông Hùng được khá nhiều chuyên gia đồng tình. “Tù chung thân hiện nay tuyên vậy thôi nhưng đa phần là chấp hành 12 năm đã ra rồi” - thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp nói thêm.
Phạt tử hình những kẻ như Lê Văn Luyện?
Một vấn đề gây nhiều tranh luận khi nghiên cứu sửa đổi BLHS là có nên hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với một số trường hợp người chưa thành niên phạm tội hay không...
“Tôi chưa bao giờ ủng hộ việc trừng trị các cháu. Không thể vì một vài vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà thay đổi đường lối xử lý người chưa thành niên như đòi hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc tăng hình phạt tù; áp dụng hình phạt chung thân hoặc tử hình đối với một số ít trường hợp người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng” - nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế nói.
“Không nên chỉ vì vài hiện tượng cá biệt như Lê Văn Luyện mà chúng ta thủ tiêu quyền lợi của cả một thế hệ như thế. Ai cũng bức xúc nhưng chúng ta phải thoát ra và nhìn tới cái tổng thể. Tới khi nào có 1 triệu tên Luyện thì mới là vấn đề” - luật sư Nguyễn Minh Tâm (Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đồng tình.
Ở góc nhìn khác, Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) cho rằng thực tế có một bộ phận trẻ em hư hỏng đã phạm những tội đặc biệt nghiêm trọng, gây ra nỗi lo sợ kinh hoàng cho xã hội. Việc khống chế ở mức hình phạt như BLHS hiện hành không đủ sức răn đe, trấn áp tội phạm, không được xã hội đồng tình, không đáp ứng được yêu cầu phòng, chống tội phạm.
Theo ông Hùng, các thẩm phán đã phải đối mặt với rất nhiều bị cáo phạm các tội giết người, cướp tài sản, hiếp dâm kèm theo giết người với hành vi vô cùng tàn ác. Điều đáng nói khi phạm tội, nhiều bị cáo chỉ còn vài ngày nữa là đủ 18 tuổi. “Gặp những trường hợp trên, HĐXX thực sự trăn trở nhưng vẫn phải tuyên một mức án không tương xứng với tính chất nguy hiểm của hành vi mà bị cáo gây ra cho xã hội, làm tăng thêm sự đau khổ tột cùng của người bị hại, gây bức xúc cho xã hội” - ông Hùng nói.
“Tôi không đề xuất giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng có nên khống chế mức hình phạt tối đa không? Nếu có khống chế thì ở mức nào? Có hai mức BLHS quy định từ 14 đến dưới 16 và trên 16 tuổi, tôi quan tâm đến mức trên 16 tuổi. Quan điểm của tôi là không khống chế mức hình phạt tối đa. Với những nguyên tắc và chính sách vốn có của BLHS thì rõ ràng, để xử tử hình một người chưa thành niên là rất khó” - ông Hùng nói.
Nhóm nghiên cứu của Bộ Tư pháp thì đề xuất khả năng tăng nặng hình phạt trong một số ít trường hợp người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng với thủ đoạn phạm tội man rợ, tàn bạo, gây hậu quả đặc biệt lớn, gây bất bình trong nhân dân...
Cái “phao” của cơ quan tố tụng
Một vấn đề khác, BLHS quy định miễn trách nhiệm hình sự dưới hai dạng “bắt buộc” được miễn và “có thể” được miễn. Bộ Tư pháp nhận định thực tiễn có trường hợp người phạm tội thỏa mãn các điều kiện để được miễn trách nhiệm hình sự mang tính “bắt buộc” nhưng họ vẫn chỉ “có thể” được miễn trách nhiệm hình sự.
Cạnh đó, theo Bộ Tư pháp, hiện chưa có giải thích, hướng dẫn cụ thể về tình tiết “gây hại không lớn” tại Điều 69 BLHS và tình tiết “do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” tại Điều 25 BLHS, dẫn đến có nhận thức không thống nhất giữa các cơ quan tố tụng.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm nhận xét: Nhiều cơ quan tố tụng áp dụng Điều 25 BLHS để đối phó với những trường hợp lỡ khởi tố, bắt giam người vô tội. Việc chuyển hóa trường hợp này thành miễn trách nhiệm hình sự đồng nghĩa với việc cơ quan tố tụng không phải bồi thường oan.
“Thực tiễn, nhiều trường hợp không phải là chuyển biến tình hình, cũng không do thay đổi quy định của pháp luật nhưng vẫn được miễn trách nhiệm hình sự với lý do đã bồi thường thiệt hại, nhân thân tốt, khai báo thành khẩn…” - ông Đinh Văn Quế cho biết. Ông Quế đề xuất BLHS sửa đổi vẫn quy định trường hợp “được miễn” và “có thể được miễn” trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cần nghiên cứu mở rộng thêm cả hai dạng, đồng thời xem có chuyển đổi trường hợp nào luật quy định “có thể” thành “được miễn” hay không.
Trẻ phạm tội, người lớn phải xem lại mình Chúng tôi rất không đồng tình với quan điểm tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên. Trước tiên người lớn phải tự xem lại mình khi trẻ phạm tội. Việc áp dụng hình phạt nghiêm khắc hoàn toàn không có tác dụng giáo dục, phòng ngừa đối với người chưa thành niên như một số người nghĩ. ÔngTRẦN VĂN ĐỘ,Phó Chánh án TAND Tối cao Cần thiết mới phạt tù Người chưa thành niên phạm tội được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật. Khổ nỗi ông tòa khi xử không biết vận dụng. Xử dưới khung hình phạt một chút mà VKS kháng nghị là run. Trong khi nguyên tắc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội là cần thiết mới phạt tù. Ông ĐINH VĂN QUẾ,nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao Bớt án tử Các tội xâm phạm chức trách quân nhân nếu không phải thời chiến thì có nên tử hình hay không? Ông NGUYỄN QUỐC VIỆT, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) |
ĐỨC MINH
TRA CỨU VĂN BẢN
HỎI ĐÁP
BẢO HIỂM NGHỀ NGHIỆP
ĐẶT LỊCH HẸN
THÔNG BÁO MỚI
TIN TỨC MỚI
VBPL-HIỆU LỰC VĂN BẢN
THÀNH VIÊN CÔNG TY
BIỂU MẪU
DỊCH VỤ PHÁP LÝ
DOWNLOAD PHẦN MỀM
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
THỐNG KÊ
-
Tổng số đang online : 10Tổng số lượt truy cập : 1,878,873