1. Vai trò của quyền tự do kinh doanh trong điều kiện hội nhập quốc tế
Quyền tự do kinh doanh là một trong những quyền kinh tế của con người. Khi nói tới tự do kinh doanh là đề cập tới: (i) Quyền sở hữu tư nhân; giá cả được xác định bởi các lực lượng thị trường; khả năng gia nhập và rời khỏi thị trường; quy tắc pháp luật hiệu quả hay quy định mang tính kinh tế để đảm bảo cạnh tranh; (ii) Tự do tài chính mang lại bởi khả năng chuyển đổi tiền tệ, ổn định giá trị tiền tệ, sự độc lập của ngân hàng trung ương và thị trường tài chính; (iii) Thuế thấp và thị trường lao động linh hoạt. Trong nghiên cứu của mình, tác giả Dreher và cộng sự đã chứng minh rằng, các chỉ số trên như kinh doanh, thương mại, tiền, chính phủ, chính sách tài khóa, quyền sở hữu, đầu tư, tự do tài chính, tham nhũng và lao động, nơi có giá trị cao hơn cho thấy môi trường kinh tế hoặc các chính sách có lợi cho tự do kinh tế nói chung và tự do kinh doanh nói riêng. Thêm vào đó, dòng chảy kinh tế thực tế được coi là cách đo lường của toàn cầu hoá. Qua đó cho thấy tự do kinh doanh là xu hướng tất yếu diễn ra trong quá trình toàn cầu hóa. Trong tiến trình toàn cầu hóa, tự do kinh doanh có vai trò to lớn sau đây:
2.1. Tự do kinh doanh góp phần tăng trưởng kinh tế
Tự do kinh doanh góp phần tăng trưởng kinh tế: Tự do trong kinh doanh là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế. Những tác động mà các chủ thể kinh doanh (các doanh nghiệp mới thành lập, người cấp vốn, các nhà công nghiệp,…) phải đối diện được quyết định trong phần lớn bởi các thể chế. Nếu các thể chế đảm bảo cho tự do kinh doanh một cách hợp lý thì nó sẽ có khả năng tạo nên sự phát triển rộng khắp bởi các lý do sau:
Một là, các chính sách liên quan đến thuế thấp; hệ thống pháp luật vận hành độc lập; các quy định của pháp luật điều chỉnh thị trường mang tính mở rộng, không bó buộc và không quá phức tạp sẽ làm tăng giá trị của doanh nghiệp đến mức cao nhất, nuôi dưỡng nền kinh tế năng động và khuyến khích tự do cạnh tranh sẽ làm tăng cường quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Hai là, nếu chúng ta cho phép các cá nhân được tập trung làm những gì họ làm tốt nhất, khi đó xã hội sẽ giàu có hơn bởi các cá nhân sẽ làm việc hiệu quả hơn là họ chỉ làm những việc họ buộc phải làm. Hiển nhiên, có những đặc tính sẽ không đạt được mục tiêu kỳ vọng xã hội. Tuy nhiên, như một quy luật chung, cho phép các cá nhân thể hiện cá tính của họ sẽ mang đến lợi ích cho xã hội. Hơn nữa, khi thị trường mở rộng hơn, sẽ có nhiều chỗ cho phân công lao động và chuyên môn hóa. Sự chuyên môn hóa tăng lên cho phép mỗi cá nhân lựa chọn một ngành nghề phù hợp với khả năng và sở thích của họ. Từ đó, kéo theo sự tăng trưởng kinh tế trong xã hội.
Trong 50 năm trở lại đây, kinh nghiệm quốc tế đã phần nào khẳng định rằng bất kỳ quốc gia nào sử dụng thị trường nhiều hơn và áp dụng các chính sách mở nhiều hơn trong đầu tư và thương mại quốc tế thì quốc gia đó có xu hướng giàu có hơn (dĩ nhiên là tự do kinh tế có nhiều dạng khác nhau).
2.2. Tự do kinh doanh góp phần cân bằng thu nhập
Tự do kinh doanh góp phần cân bằng thu nhập:Thoạt nhìn, một số người có thể nhận định rằng tự do kinh doanh giúp nền kinh tế phát triển nhanh chóng sẽ có nguy cơ khiến cho khoảng cách thu nhập trong xã hội ngày càng tăng cao và sự phân biệt giàu nghèo dựa trên thu nhập sẽ gay gắt hơn. Tuy nhiên, để có thể đưa ra kết luận chính xác, cần phải có sự đánh giá mang tính tổng thể dựa trên sự chuyển động cùng lúc của các yếu tố trong nền kinh tế chứ không chỉ đánh giá dựa trên các tương quan cố định của một hay vài yếu tố.
Về mặt lý thuyết, làm sao thu nhập sau thuế của các cá nhân và nhóm cá nhân khác nhau có thể bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng về tự do kinh doanh. Nếu xét thu nhập về khía cạnh cố định, các mức thuế của doanh nghiệp giảm xuống dẫn đến người có thu nhập cao tăng lên, vị trí của người có thu nhập thấp bị giảm xuống, khoảng cách từ người có thu nhập cao nhất đến người có người thu nhập thấp nhất bị kéo dài ra.
Mặt khác, sự gia tăng các nguồn thu không chỉ xuất hiện ở một số nhóm người trong nền kinh tế, mà nó mang tính chất lây lan và tác động đến tổng thể các đối tượng còn lại trong xã hội. Mức thu nhập của một nhóm người được nâng cao hơn, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xã hội tăng cao hơn, giới hạn của mức cầu xã hội nới rộng, kích thích thị trường cung sản phẩm thay đổi. Khi thị trường được kích thích sản xuất ra nhiều của cải vật chất và dịch vụ để đáp ứng cầu đang tăng cao sẽ dẫn đến thúc đẩy thị trưởng trao đổi mạnh hơn. Nhờ đó, những người có hoạt động tham gia trong quá trình trao đổi của thị trường sẽ đều nhận được nguồn thu cao hơn nhờ tổng mức tiêu thụ tăng và lượng tiền lưu thông trên thị trường gia tăng. Hoạt động này liên tục diễn ra trên thị trường dẫn đến phân phối thu nhập đồng đều hơn cho tất cả các cá nhân trong nền kinh tế. Do đó, khoảng cách thu nhập không bị kéo giãn mà có xu hướng co lại, hay ít nhất là cùng được nâng lên ở từng mức tương ứng nhau.
Vì vậy, trái ngược với ý kiến cho rằng mở rộng tự do trong hoạt động kinh doanh, thương mại có thể dẫn đến mất cân bằng trong thu nhập của xã hội. Thực chất, mở rộng tự do trong kinh doanh thúc đẩy mạnh mẽ phân phối thu nhập xã hội được đồng đều hơn, thu ngắn khoảng cách giữa nhóm người có mức thu nhập cao nhất so với nhóm người có mức thu nhập thấp nhất trong xã hội.
2.3. Tự do kinh doanh góp phần phát triển xã hội
Tự do kinh doanh góp phần phát triển xã hội:Khi nền kinh tế phát triển, đồng hành với các chính sách tự do kinh doanh và thương mại được mở rộng, cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng được đầu tư triệt để để phục vụ cho sự phát triển và đồng thời là sự đi lên của trình độ phát triển xã hội.
Như một sự tác động qua lại mang tính chất cộng sinh, kinh tế phát triển tác động đến phát triển xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng giáo dục, tỷ lệ người biết đọc, biết viết cao và tuổi thọ con người được kéo dài hơn,… tất cả những yếu tố này nhằm đảm bảo cho xã hội tiếp tục cung cấp các nguồn lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cần sức lao động dồi dào để phát triển toàn diện nền kinh tế ở mọi lĩnh vực, thúc đẩy cho tự do kinh doanh thương mại được tối ưu hóa và ảnh hưởng đến xã hội.
Do đó, phát triển xã hội không chỉ là hệ quả mà còn là yếu tố tiên quyết để đảm bảo phát triển kinh tế, duy trì tự do trong kinh doanh. Điều này, một lần nữa khẳng định vì sao quyền tự do trong kinh doanh thương mại là một quyền tự do mang tính xã hội và có vị trí cao trong nấc thang trình độ phát triển giữa các quyền tự do khác của con người.
2. Sự cần thiết và thách thức phổ quát hóa quyền tự do kinh doanh trong điều kiện hội nhập quốc tế
Tính phổ quát của quyền con người được thể hiện bằng cách thực tế là chúng được thừa nhận trong luật pháp quốc tế. Các quyền này đại diện cho một hệ thống bảo vệ toàn cầu và khu vực bắt nguồn từ Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự – chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội được thông qua năm 1966…cũng như chức năng giám sát của Hội đồng Nhân quyền. Chính vì lẽ đó, trong xã hội hậu hiện đại của chúng ta, ba mươi điều của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người ngày càng được xem như những quy định của một bộ luật đạo đức mang tính phổ quát[9]. Mặc dù việc thực hiện Luật Nhân quyền quốc tế còn nhiều bất cập, nhưng nhân quyền được ghi trong Tuyên bố được biết đến rộng rãi và hầu như được chấp nhận rộng rãi.
Theo Điều 28 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (UDHR), mỗi người đều có quyền có một trật tự xã hội và quốc tế, trong đó có thể thực hiện đầy đủ các quyền và tự do nêu trong Tuyên bố. Rõ ràng rằng quyền con người không chỉ liên quan đến nghĩa vụ của các quốc gia để kiềm chế vi phạm mà còn phải có nghĩa vụ hỗ trợ nếu người dân không thể đạt được các quyền con người cho mình trên sức mạnh của chính họ. Lời mở đầu của Tuyên ngôn thế giới cũng đề cập đến vấn đề này khi nói đến “Phẩm giá vốn có và giá trị của con người” và nhiệm vụ để thực hiện đầy đủ điều này trên toàn thế giới, như “một tiêu chuẩn chung về thành tựu cho mọi dân tộc và mọi quốc gia “.
Bên cạnh đó, Tuyên ngôn Vienna và Chương trình hành động (Hội nghị thế giới về nhân quyền 1993) cũng cho rằng: “Tất cả các quyền con người đều mang tính phổ cập, không thể chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan đến nhau. Cộng đồng quốc tế phải xử lý các quyền con người theo phạm vi toàn cầu một cách công bằng và bình đẳng và được coi trọng như nhau. Trong khi phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc và khu vực và bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, các quốc gia không phân biệt hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa có nghĩa vụ đề cao và bảo vệ tất cả các quyền con người và các quyền tự do cơ bản”.
Quyền tự do kinh doanh là quyền kinh tế của con người có những đặc điểm sau:
Quyền con người là quyền phổ quát nên quyền tự do kinh doanh – quyền kinh tế của con người cũng cần được phổ quát trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Tuy vậy, quyền con người nói chung và quyền tự do kinh doanh nói riêng còn có nhiều trở lực làm hạn chế sự phổ quát quyền này. Cụ thể: Các văn kiện quốc tế về nhân quyền đều nhấn mạnh quyền con người là những giá trị mang tính phổ quát. Vì vậy, trong điều kiện kinh tế, xã hội và chính trị thay đổi nhanh như hiện nay thì câu hỏi “làm cách nào để quyền con người được bảo đảm một cách hiện thực?” được đặt ra trong nhiều diễn đàn nghị sự. Học giả Willem van Genugten cho rằng, có trở lực đối với tính phổ quát của nhân quyền: (1) sự đa dạng và số lượng lớn các quyền con người; (2) các câu trả lời pháp lý và bán pháp lý chưa mang tính thuyết phục; (3) các quốc gia kêu gọi chấp nhận các thuật ngữ về nhân quyền (‘tiêu chuẩn’) nhưng do dự đến sự can thiệp từ bên ngoài (thực hiện và giám sát); (4) xung đột giữa các nghĩa vụ pháp lý quốc tế và pháp lý quốc gia (Hiến pháp). Từ đây dẫn đến những thách thức trong việc phổ quát hóa trên bình diện quốc gia quyền tự do kinh doanh như sau:
(i) Thách thức về cơ cấu: Do cơ cấu xã hội luôn phát triển ở các quốc gia đã gây cản trở tới phổ quát hóa quyền con người. Cơ cấu xã hội với các tiêu chí khác nhau phân thành nhóm: Có quyền lực và không có quyền lực; giàu và nghèo; nam và nữ; người sử dụng lao động và người lao động; có quyền kiểm tra giám sát và nghĩa vụ phục tùng; … Cơ cấu xã hội thường là hai mặt của vấn đề. Vì vậy, cơ cấu thường xuyên thay đổi và các nhóm trong cơ cấu thường không tương đồng về quyền và lợi ích sẽ là trở lực lớn phổ quát hóa quyền tự do kinh doanh.
(ii) Thách thức do khả năng hình thành và tiếp thu tư tưởng: Hệ thống các giá trị cá nhân, của nhóm người hoặc của xã hội xung đột cục bộ hoặc toàn bộ với các giá trị của hệ thống quyền con người. Chính những xung đột trên khiến cá nhân, nhóm người và các quốc gia khó tiếp nhận các giá trị của hệ thống quyền con người, quyền tự do kinh doanh.
(iii) Thách thức về nguồn lực đảm bảo quyền tự do kinh doanh: Các nền kinh tế – xã hội ở các quốc gia trên thế giới là không giống nhau; có quốc gia không có hoặc không đủ nguồn nhân lực, vật lực để đảm bảo quyền tự do kinh doanh. Quyền tự do kinh doanh vì thế khó trở nên phổ biến ở các quốc gia.
(iv) Thách thức về nhận thức quyền tự do kinh doanh: Bản thân chủ thể thụ hưởng quyền con người chưa nhận thức thấu đáo về quyền tự do kinh doanh để tự mình thực hiện quyền hoặc yêu cầu chủ thể khác tôn trọng mình. Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức thực thi nhiệm vụ bảo vệ quyền tự do kinh doanh không biết hoặc chưa nhận thức được vai trò quan trọng của quyền tự do kinh doanh nên dẫn đến vi phạm quyền tự do kinh doanh.
(v) Thách thức về kỹ thuật lập pháp: Quyền con người nói chung và quyền tự do kinh doanh nói riêng len lỏi vào trong nhiều quan hệ và được ghi nhận ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Nếu kỹ thuật lập pháp của quốc gia không cao sẽ dẫn đến việc pháp luật không bảo vệ được quyền tự do kinh doanh.
3. Phổ quát hóa quyền tự do kinh doanh tại Việt Nam – Xu hướng tất yếu và giải pháp
3.1. Phổ quát hóa quyền tự do kinh doanh tại Việt Nam – Xu hướng tất yếu
Qua phân tích ở trên cho thấy, tự do kinh doanh có một vai trò quan trọng tác động tới tiến trình toàn cầu hóa. Trong đó, tiến trình toàn cầu hóa là tất yếu nên phổ quát hóa quyền tự do kinh doanh là xu hướng tất yếu diễn ra trên phạm vi toàn cầu, khu vực và ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trong lịch sử nền kinh tế Việt Nam, hoạt động ngoại thương đã có từ lâu. Trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung (năm 1978), Việt Nam đã tham gia vào Hội đồng tương trợ kinh tế (khối SEV hoặc Council of Mutual Economic Assistance –COMECON) – một hình thức hỗ trợ thương mại và ngoại thương giữa các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, quan hệ này không mang tính cạnh tranh kinh tế thuần túy, ít nhiều bị ảnh hưởng bởi các quan hệ chính trị, tính mệnh lệnh, hỗ trợ cao, được điều chỉnh bằng các biện pháp hành chính là chủ yếu (giấy phép xuất – nhập khẩu, yêu cầu hạn ngạch cụ thể, chế độ tỷ giá riêng…), do đó làm méo mó bản chất thương mại của các quan hệ này.
Khi Việt Nam bước sang thời kỳ “Đổi mới” năm 1986, với việc chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường, hoạt động ngoại thương cũng bắt đầu được đẩy mạnh, trên cơ sở từng bước thiết lập quan hệ thương mại bình thường, đa dạng hóa đối tác hơn nhiều so với trước đây. Đầu những năm 90, Việt Nam khai thông lại quan hệ với các thiết chế tài chính tiền tệ quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund – IMF), Ngân hàng thế giới (World Bank – WB), Ngân hàng phát triển châu Á (Asian Development Bank – ADB) sau 15 năm gián đoạn (1976-1992). Sau đó, Việt Nam cũng bắt đầu đẩy mạnh sự hiện diện của mình trong các mô hình hợp tác kinh tế quốc tế như tăng cường vai trò trong Liên hợp quốc (mà Việt Nam đã là thành viên từ năm 1977 nhưng sự tham gia khá mờ nhạt), đồng sáng lập Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) năm 1996, tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 1998.
Việt Nam cũng đồng thời tăng cường quan hệ đối ngoại và liên kết quốc tế trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại, với các nước và tổ chức trên thế giới thông qua việc ký kết các thỏa thuận, hiệp định, điều ước quốc tế thiết lập quan hệ hợp tác và thừa nhận lẫn nhau trong các khía cạnh cụ thể.
Xét trong khuôn khổ của tự do hóa thương mại, với các cam kết cụ thể mở cửa thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư thì quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được chính thức đánh dấu bằng việc tham gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ năm 1995. Hai sự kiện này, diễn ra đồng thời trong năm 1995, đã trở thành một dấu mốc cực kỳ quan trọng, mở lối cho Việt Nam hội nhập với nền kinh tế của các nước trong khu vực và xây dựng quan hệ thương mại bình thường với Hoa Kỳ và tiếp theo đó là với tất cả các nước trên thế giới với ảnh hưởng từ Hoa Kỳ.
Nếu như xem việc Việt Nam tham gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ năm 1995 là mốc đầu tiên của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thì tới nay quá trình này đã đi được hơn hai thập kỷ. Trong thời gian này, nhiều dấu mốc quan trọng đánh dấu các bước hội nhập của Việt Nam đã được thực hiện như tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN năm 1996, ký kết Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ năm 2001, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới năm 2007, tham gia một loạt các Hiệp định thương mại tự do khu vực trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN+…. Quá trình hội nhập đã thực sự mang lại những bước tiến quan trọng của kinh tế Việt Nam trong phát triển nội tại cũng như giúp Việt Nam trở thành một thành tố của nền kinh tế thế giới.
Có thể nói, tự do thương mại quốc tế là mục tiêu hướng tới của hệ thống thương mại toàn cầu hiện nay. Là một nền kinh tế nhỏ, đang trong giai đoạn chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, và chỉ mới hội nhập thực sự trong thời gian ngắn, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do thương mại quốc tế là đòi hỏi, đồng thời cũng là thách thức Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu.
Cũng giống như thông lệ quốc tế, quá trình tự do hóa thương mại quốc tế ở Việt Nam được thể hiện qua các khía cạnh chủ yếu là thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư qua biên giới theo các nguyên tắc tự do hóa đã được thừa nhận chung trên thế giới. Trong ba thập kỷ trở lại đây có thể xem là thời gian quá trình tự do hóa thương mại ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ nhất từ trước tới nay, với những dấu mốc và thành tựu đặc biệt quan trọng với nền kinh tế. Việc từng bước tham gia các Hiệp định, Thỏa thuận thương mại song phương, đa phương với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã giúp các hoạt động thương mại xuyên biên giới của Việt Nam được thuận lợi, các rào cản và các rủi ro thương mại khác cũng được giảm dần, loại bỏ. Mặc dù vậy, quá trình hội nhập theo thời gian cũng cho thấy những hạn chế nhất định. Điều này khiến cho quá trình tự do hóa thương mại ở Việt Nam chưa đạt được những lợi ích kỳ vọng và vì vậy trong những nỗ lực tiếp tục tự do thương mại giai đoạn tới cần được chú ý triển khai một cách thực chất và hiệu quả hơn.
3.2 Giải pháp nhằm phổ quát hóa quyền tự do kinh doanh tại Việt Nam
Để giải quyết những trở ngại khiến quyền con người nói chung và quyền tự do kinh doanh nói riêng gặp khó khăn trong quá trình phổ quát; nói cách khác, để khoảng cách giữa nguyên tắc (lý thuyết) và thực tiễn của đảm bảo quyền con người cần tiến hành những nội dung sau: (1) nâng cao kiến thức và nhận thức về quyền con người, trong quỹ đạo chính phủ và phi chính phủ, và trong các dân tộc khác nhau trong đó có các quốc gia; (2) sự chấp nhận rộng rãi của các quyền con người như là một cách liên hệ để xem xét các vấn đề nhất định; (3) hoàn thiện và thực thi các quy tắc nhân quyền; (4) khuyến khích giải quyết các mối quan tâm xã hội; và (5) việc thực hiện nhân quyền bằng mọi phương tiện kinh tế, chính trị và pháp luật.
Việc phổ quát hóa quyền tự do kinh doanh sẽ thúc đẩy sự chấp nhận của cộng đồng đó là quyền phổ quát, và ngược lại nếu không làm tốt quá trình phổ quát sẽ khiến cho cộng đồng khó tiếp nhận và đồng ý rằng quyền con người là quyền phổ quát.
Để hiện thực hóa và phổ quát hóa quyền tự do kinh doanh, chúng ta cần phải thực hiện những giải pháp sau:
Thứ nhất, tìm cách khắc phục trở ngại về cơ cấu. Nói cách khác là dung hòa quyền lợi giữa các nhóm người trong xã hội.
Thứ hai, thông qua pháp luật quốc gia và các biện pháp hành chính bảo đảm việc tôn trọng và bảo vệ quyền tự do kinh doanh – quyền kinh tế của con người đã được quốc tế thừa nhận.
Thứ ba, quan tâm hơn tới giáo dục về quyền con người nói chung và quyền tự do kinh doanh nói riêng.
Thứ tư, đầu tư nguồn lực nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh.
Thứ năm, có thể thức để nhận được sự giúp đỡ hợp tác từ cá nhân, tổ chức và quốc gia khác để bảo trợ cho quyền của con người nếu họ bị xâm phạm quyền tự do kinh doanh.
Thứ sáu, tư tưởng của bản thân quốc gia là tư tưởng mở, có nghĩa là sẵn sàng tiếp nhận những tư tưởng tôn trọng tự do, dân chủ.
Nhân quyền đã đi một chặng đường dài và thường được coi là một trong những câu chuyện thành công trong lĩnh vực luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế kể từ Thế chiến II. Mặc dù có những tranh cãi về khái niệm và thực tiễn, và mặc dù cần phải vận hành theo một cách kết hợp lý tưởng với nhiều ý nghĩa của thực tiễn, thì không có gì nghi ngờ rằng chúng ta đang ở giữa các quá trình hiến pháp hóa và nhân đạo hoá trật tự kinh tế và chính trị quốc tế, với các giá trị nhân quyền dẫn đường. Làm cho nhân quyền nói chung và quyền tự do kinh doanh nói riêng trở nên phổ quát, có nghĩa là cân bằng trong phạm vi quốc tế, đặc biệt chú trọng vào các tiêu chuẩn tiên quyết của luật nhân quyền quốc tế, và sử dụng tất cả các công cụ sẵn có hoặc thông qua ngoại giao hoặc bất cứ hành động nào khác có thể có cơ hội thực hiện để thành công. Nhìn chung, phổ quát hóa là xu hướng tất yếu xảy ra trên bình diện quốc gia và quốc tế. Để quyền tự do kinh doanh trở nên phổ quát – Giá trị chung của nhân loại thì phải có những giải pháp đồng bộ từ nhận thức đến tiếp nhận tư tưởng, từ giải pháp vật chất đến phi vật chất.
>>>>>> Bài viết đáng quan tâm khác: Dịch vụ tư vấn thường xuyên được cung cấp bởi Vinalaw
Với slogan: “Là điểm tựa của niềm tin”