Gần đây, tôi thấy trên mạng xã hội có một số bài viết dưới danh xưng của Luật sư nêu về vụ việc của gia đình tôi hiện Tòa án đang giải quyết. Trong đó, có dẫn chứng và phân tích một số lời nói, việc làm của tôi nhưng không đúng với những lời tôi đã nói, không đúng với những việc tôi đã làm. Vậy, pháp luật hiện hành có quy định nào buộc Luật sư không được phát tán những thông tin không chính xác về khách hàng, lời nói, việc làm của khách không?
Trung thực, tôn trọng sự thật khách quan là nghĩa vụ, trách nhiệm của người Luật sư trong cuộc sống, trong nghề nghiệp và trong quan hệ với cơ quan báo chí.
Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam tại Quy tắc 31 quy định về thông tin, truyền thông đã nêu rõ:
“31.1. Khi cung cấp thông tin cho báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng mạng xã hội, Luật sư phải trung thực, chính xác, khách quan.
31.2. Luật sư không được sử dụng báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để cố ý phản ánh sai sự thật nhằm mục đích cá nhân, động cơ khác hoặc tạo dư luận nhằm bảo vệ quyền lợi không hợp pháp của khách hàng hoặc phát ngôn gây ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng”.
Người Luật sư phải bảo mật thông tin liên quan đến vụ việc của khách hàng, đặc biệt khi cung cấp cho cơ quan báo chí và đưa lên mạng xã hội.
Việc phát ngôn về một cá nhân khác nhất là trong bối cảnh cá nhân này đang có quyền lợi ích đối lập với khách hàng của Luật sư cần phải thận trọng, tuân thủ các quy định của pháp luật trong đó có quy định về quyền nhân thân.
Vụ việc đang được Tòa án giải quyết mà Luật sư đưa các thông tin thiếu chính xác lên mạng xã hội có thể định hướng dư luận xã hội không đúng về bản chất vụ việc.
Trường hợp này bạn có thể trực tiếp đề nghị Luật sư chấm dứt và thu hồi thông tin đã phản ánh về bạn không đúng sự thật. Bạn cũng có thể có ý kiến đề nghị Đoàn Luật sư xem xét giải quyết hoặc nhờ cơ quan pháp luật vào cuộc bảo vệ quyền lợi ích cho bạn.
Với slogan: “Là điểm tựa của niềm tin”