Ông Lê Văn Danh sở hữu phần đất vườn liền kề đất ở xen kẽ khu dân cư có diện tích 1.254 m2 tọa lạc tại phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1999. Khu đất của ông thuộc quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thắng danh nghĩa, thua thực tế
Năm 2009, UBND quận 2 ban hành Quyết định số 9893 bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho ông Danh đối với khu đất trên tổng cộng hơn 255 triệu đồng (với giá đất vườn là 200.000 đồng/m2). Ông Danh không đồng ý nên khiếu nại và bị UBND quận 2 bác. Sau đó, ông khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định 9893 của quận 2.
Năm 2011, TAND quận 2 xử sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của ông Danh nên ông kháng cáo. Tòa án phúc thẩm cho rằng có cơ sở để hủy quyết định của quận 2. Tòa cho hay theo bản vẽ hiện trạng vị trí năm 1998 và họa đồ hiện trạng nhà đất năm 2004 đã được Phòng Quản lý đô thị quận 2 kiểm tra thì liền kề với phần đất nông nghiệp của ông Danh là đất ở. Theo quy định, nếu hiện trạng vừa có đất ở vừa có đất nông nghiệp nằm xen kẽ trong khuôn viên thì phần diện tích đất nông nghiệp tính bồi thường, hỗ trợ bằng 30% đơn giá đất ở liền kề. “Tuy nhiên, các vấn đề này chưa được xác minh làm rõ” – tòa nhận định. Từ đó cấp phúc thẩm tuyên hủy Quyết định 9893 của UBND quận 2 để “quận kiểm tra, xác minh lại phần đất ông Danh bị thu hồi có thuộc đối tượng được hỗ trợ thêm, từ đó giải quyết lại việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, tái định cư cho phù hợp”.
Ông Rô dựng nhà tạm trên đất người quen sau khi nhà, đất bị giải tỏa. (Ảnh do ông Rô cung cấp)
Tháng 3-2012, UBND quận 2 thu hồi và hủy bỏ Quyết định 9893 theo yêu cầu của tòa án, sau đó ban hành quyết định mới về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với ông Danh. Tuy nhiên, bảng chiết tính đính kèm quyết định mới không sai một dấu phẩy so với bảng chiết tính cũ, kể cả số hiệu văn bản. Toàn bộ nội dung về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho ông cũng như trước. Gần ba năm trời đi kiện, cuối cùng kết quả quay về con số không.
Được ký hiệu đất ở, vẫn bồi thường đất nông nghiệp
Gần tương tự trường hợp ông Danh, bà Lê Thị Bảy (ngụ 406/19 đường Ven Sông, phường An Lợi Đông, quận 2) cũng thắng trong vụ kiện yêu cầu hủy quyết định bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất của quận 2.
Lý do bà Bảy kiện là quận bồi thường cho bà 200.000 đồng/m2 theo giá đất nông nghiệp, trong khi lẽ ra phải bồi thường giá đất ở. Tòa án sơ thẩm bác yêu cầu của bà nhưng tòa án phúc thẩm thì đồng ý hủy quyết định của quận 2. Tòa cho rằng trong phần đất bị thu hồi của bà Bảy có một phần diện tích với hơn 108 m2 đất thuộc thửa đất được ký hiệu là chữ “T” (loại đất với “mục đích để ở” – PV), phần còn lại mới là đất nông nghiệp. Quận 2 lập luận đất ở là đất đã có nhà nhưng theo Luật Đất đai, đất ở là đất để xây dựng nhà ở chứ không phải là đất phải có nhà trên đó. Với những căn cứ trên, tòa tuyên hủy quyết định của UBND quận 2 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với bà Bảy.
Bản án tuyên vào tháng 9-2012 nhưng đến nay UBND quận 2 vẫn chưa chấp hành án. Điều bà Bảy lo nhất là quận lại vận dụng chiêu cũ như trường hợp ông Danh: hủy quyết định cũ nhưng ban hành quyết định mới với nội dung không khác một chữ. “Thắng kiện cũng như không, chẳng lẽ chúng tôi lại kiện tiếp?” – bà bày tỏ.
Lận đận đòi huyện thi hành án
Mới đây, đại biểu Quốc hội Trương Thị Ánh dẫn đầu đoàn công tác làm việc tại UBND huyện Cần Giờ để xúc tiến giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Văn Rô cùng một số hộ dân khác.
Trước đó, UBND huyện thu hồi đất và bồi thường cho gia đình ông Rô hơn 700 triệu đồng. Ông không đồng ý vì cho rằng huyện áp giá đất nông nghiệp căn cứ theo quy định từ năm 1998 gây thiệt hại cho gia đình ông. Ông cho rằng việc bồi thường phải được áp dụng quy định của Luật Đất đai 2003 và Nghị định 197 (năm 2004) mới phù hợp. Đầu tháng 2-2010, xử phúc thẩm, TAND TP.HCM chấp nhận một phần kháng cáo của ông, hủy quyết định của UBND huyện Cần Giờ, yêu cầu ủy ban ban hành quyết định khác về việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất của ông nhằm thực hiện dự án mở đường Rừng Sác. Tuy nhiên, dù đã có bản án có hiệu lực pháp luật nhưng gần ba năm qua huyện Cần Giờ vẫn không thi hành án.
Ông Rô kể với chúng tôi, trong việc thực hiện dự án Rừng Sác, nhà và đất của ông bị giải tỏa trắng, không được tái định cư do dự án tái định cư bị “chìm xuồng”, gia đình ông phải cất chòi ở nhờ trên đất của người quen. Gần ba năm qua, ông liên tục gửi đơn khắp nơi, từ UBND và Thi hành án huyện Cần Giờ đến Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM… nhưng chẳng ai giải quyết. “Tại buổi làm việc, bà Ánh hứa sẽ giám sát, đôn đốc việc thi hành án. Hy vọng tôi không phải chờ quá lâu…” – ông Rô nói.
Chẳng lẽ bó tay?
Thắng kiện đã khó, thi hành án hành chính còn khó hơn. Điều này đã được người đi kiện, các chuyên gia và chấp hành viên than thở và chỉ ra đủ các nguyên nhân. Thủ tướng cũng nhận xét: “Vẫn còn tình trạng nhiều bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính chưa được thi hành nghiêm túc. Nguyên nhân chính là do tính chất phức tạp của công tác thi hành án hành chính; nhận thức về công tác thi hành án hành chính của các cấp, các ngành còn hạn chế…” (Chỉ thị số 17/CT ngày 25-5-2012 của Thủ tướng)… Thủ tướng cũng đã nêu hàng loạt biện pháp để thi hành loại án này, trong đó có nêu: UBND cấp tỉnh phải kiểm tra, đôn đốc các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan, tổ chức khác trên địa bàn nghiêm túc thi hành án hành chính, không để tồn đọng các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật… Chuyện bản án hành chính bị chính quyền địa phương làm ngơ hoặc đối phó không mới và thực tế chưa thấy cơ quan nhà nước nào bị xử lý dù pháp luật có đủ cơ chế. Tuy nhiên, không vì thực tế ấy mà làm ngơ, hơn ai hết các cơ quan nhà nước phải hiểu là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, chính quyền địa phương càng phải gương mẫu trong việc chấp hành. Trường hợp làm ngơ, đối phó phán quyết của tòa, UBND cấp trên cũng cần có biện pháp mạnh, tránh chuyện gây mất lòng tin vào công lý nơi người đi kiện.
|
>>>>>> Bài viết đáng quan tâm khác: Dịch vụ tư vấn thường xuyên được cung cấp bởi Vinalaw
Với slogan: “Là điểm tựa của niềm tin”