Áp dụng “thời hiệu” và “thời hạn” nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại việt nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài
Theo quy định của Điều 183 và Điều 185 Bộ luật Tố tụng dân sự(TTDS, tất cả các nội dung liên quan đến “thời hiệu”và “thời hạn” tại Bộ luật này đều dẫn chiếu áp dụng theo quy định tại Bộ luật Dân sự (BLDS).
So với quy định của BLDS năm 2005 và Bộ luật TTDS năm 2004 sửa đổi năm 2011, BLDS và Bộ luật TTDS hiện hành đã có điểm mới bổ sung quan trọng đối với quy định về thời hiệu là Tòa án chỉ được áp dụng thời hiệu khi và chỉ khi có yêu cầu của một trong các bên… Nói cách khác, Tòa án không có quyền chủ động áp dụng quy định về thời hiệu trong TTDS.
Tuy nhiên, tìm hiểu Bộ luật TTDS cho thấy, thuật ngữ “thời hiệu” không chỉ được nhắc đến trong thủ tục giải quyết vụ việc dân sự mà còn được đề cập đến thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài… Ngoài ra, việc quy định “thời hạn” gửi đơn yêu cầu và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài cũng đặt ra vấn đề là liệu quy định về “thời hạn” này có hiểu và áp dụng tương tự như trong các thủ tục trên hay không; chủ thể của việc yêu cầu áp dụng “thời hiệu” hoặc “thời hạn” là ai hay Tòa án hoàn toàn chủ động áp dụng; và hậu quả pháp lý nếu một trong các bên vi phạm quy định về “thời hiệu” và “thời hạn” như thế nào… Hiện các vấn đề này vẫn chưa được minh thị trong các quy định có liên quan. Điều này sẽ gây ra khó khăn cho Tòa án.
Từ các yêu cầu trên, trong bài viết, chúng tôi phân tích một số vấn đề có khả năng phát sinh vướng mắc trong thực tiễn, cụ thể: (i) Điều kiện để Tòa án áp dụng thời hiệu trong TTDS; (ii) Vận dụng quy định “thời hiệu” và “thời hạn” như thế nào đối với thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, hoặc phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; (iii) Hậu quả pháp lý của việc không áp dụng “thời hiệu” và “thời hạn” đối với thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, hoặc phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.
1. Điều kiện để Tòa án áp dụng thời hiệu trong tố tụng dân sự
Khoản 2 Điều 149 BLDS (tương ứng với khoản 2 Điều 184 Bộ luật TTDS) quy định: “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.
Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”.
Chúng tôi đồng tình với ý kiến cho rằng, quy định trên đây là điểm mới “rất tiến bộ” mà BLDS đã đạt được. Quy định này giúp loại trừ can thiệp của cơ quan tố tụng khi viện dẫn quy định về thời hiệu để từ chối giải quyết hay để hủy kết quả xét xử giải quyết trước đó… và vì vậy, việc có áp dụng thời hiệu hay không phải do chính các chủ thể trong quan hệ đó quyết định chứ không phải Tòa án. Ví dụ, trong trường hợp đã hết thời hiệu khởi kiện nhưng nếu một trong các bên không có yêu cầu Tòa án áp dụng quy định về thời hiệu thì Tòa án vẫn phải giải quyết đơn khởi kiện đó mà không được từ chối thụ lý hoặc nếu đã thụ lý vụ án thì Tòa án không được quyền chủ động ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do đã hết thời hiệu khởi kiện khi chưa có yêu cầu của một hoặc các bên.
Như vậy, đối với quy định tại đoạn 1, khoản 2 Điều 149 BLDS xác định điều kiện để Tòa án áp dụng thời hiệu là khi có yêu cầu áp dụng thời hiệu của một hoặc các bên. Tiếp đến, tại đoạn 2, khoản 2 Điều 149 BLDS (tương ứng với đoạn 2 khoản 2 Điều 184 Bộ luật TTDS) quy định: “Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”. Nội dung quy định này cần phải được hiểu là: Đối với thời hiệu nói chung (kể cả khi có bên từ chối hoặc không từ chối việc áp dụng thời hiệu), Tòa án chỉ được quyền áp dụng khi có yêu cầu từ một hoặc các bên. Nói cách khác, việc không từ chối áp dụng thời hiệu không thể hiểu là Tòa án có quyền chủ động áp dụng thời hiệu.
Một vấn đề khác phát sinh khi áp dụng quy định này: chủ thể yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu là “một hoặc các bên”, nhưng hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể như thế nào là “một hoặc các bên” có quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu. Chúng tôi cho rằng, cần phải hiểu quy định này đầy đủ như sau:
(i) Chủ thể “một hoặc các bên” có quyền chính là đương sự trong vụ việc dân sự. Cụ thể, đương sự trong vụ án dân sự (bao gồm nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) và đương sự trong việc dân sự (bao gồm người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc dân sự);
(ii) và họ phải là những người có quyền và nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu.
Tóm lại, điểm mới mấu chốt trong quy định về áp dụng thời hiệu – tương ứng với điều kiện Tòa án áp dụng thời hiệu theo quy định của BLDS và Bộ luật TTDS là Tòa án hoàn toàn không có quyền chủ động áp dụng thời hiệu, Tòa án áp dụng thời hiệu khi và chỉ khi có yêu cầu áp dụng thời hiệu của một hoặc các đương sự.
2. Có áp dụng tương tự quy định về “thời hiệu” trong thủ tục giải quyết việc dân sự với “thời hiệu” và “thời hạn” nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, hoặc phán quyết của trọng tài nước ngoài hay không?
Để xác định có áp dụng tương tự quy định về “thời hiệu” trong thủ tục giải quyết vụ việc dân sự với “thời hiệu” và “thời hạn” nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, hoặc phán quyết của trọng tài nước ngoài hay không, trước hết, cần phải xác định thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam có phải là thủ tục giải quyết loại việc dân sự đặc biệt.
Điều 1 Bộ luậtTTDS năm 2004 (sửa đổi năm 2011) và các điều khoản khác có liên quan như khoản 5 Điều 25, khoản 6 Điều 28, khoản 2 Điều 30 và khoản 1 Điều 32 của Bộ luật này cho thấy, quy định yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài được coi là việc dân sự. Tuy nhiên, Điều 350 và Điều 364 của Bộ luậtTTDS năm 2004 không quy định về thời hạn nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài. Bên cạnh đó, theo quy định của khoản 4 Điều 159 Bộ luật này, trong trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu yêu cầu để Tòa án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ các việc dân sự có liên quan đến quyền dân sự về nhân thân của cá nhân thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu. Do đó, thực tiễn xét xử trước đây tại các Tòa án cho thấy, việc nhận thức và áp dụng quy định của khoản 4 Điều 159 để xem xét về thời hạn nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài không thống nhất. Xuất phát từ thực tiễn đó, Bộ luậtTTDS năm 2015 đã bổ sung quy định về “thời hiệu” và “thời hạn” yêu cầu công nhận và cho thi hành… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu quy định về điều kiện áp dụng “thời hiệu” và “thời hạn” này có thống nhất trong toàn bộ quy định của Bộ luậtTTDS hiện hành hay không?
Điều 1 Bộ luậtTTDS quy định ba trình tự thủ tục riêng biệt, cụ thể: (i) thủ tục giải quyết vụ án dân sự; (ii) thủ tục giải quyết việc dân sự; và (iii) thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Như vậy rõ ràng, thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài là một thủ tục riêng biệt với thủ tục giải quyết vụ việc dân sự. Bên cạnh đó, các quy định cụ thể khác tại thủ tục yêu cầu công nhận và cho thi hành như về đơn yêu cầu, thời hiệu yêu cầu, về thụ lý hồ sơ, chuẩn bị xét đơn, mở phiên họp, kháng cáo, kháng nghị… có nội dung đặc thù và không có sự dẫn chiếu áp dụng tương tự theo quy định tại thủ tục giải quyết việc dân sự nói chung. Ngoài ra, bố cục của Bộ luậtTTDS đã minh thị, thủ tục công nhận và cho thi hành là một thủ tục độc lập ghi nhận tại phần thứ bảy của Bộ luật này mà không kết cấu như một chương việc cụ thể trong phần thứ sáu về thủ tục giải quyết việc dân sự.
Vậy, phải áp dụng thống nhất quy định về “thời hiệu” và “thời hạn” trong thủ tục yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài như thế nào?
– Đối với thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài
Điều 432 Bộ luậtTTDS quy định thời hiệu yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài (sau đây gọi tắt là “thời hiệu yêu cầu công nhận”) là ba năm (kể từ ngày bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài có hiệu lực pháp luật), trừ trường hợp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.
Như vậy, không có cơ sở để Tòa án chỉ áp dụng thời hiệu khi và chỉ khi có yêu cầu của một hoặc các bên yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài như quy định của Điều 184Bộ luậtTTDS. Nói một cách khác, với quy định của pháp luật hiện hành, Tòa án hoàn toàn có thể chủ động áp dụng quy định về thời hiệu này mà không cần có yêu cầu từ phía một hoặc các bên đương sự.
– Đối với thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài
Điều 451 Bộ luậtTTDS quy định về thời hạn (không phải là thời hiệu) gửi đơn yêu cầu công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài là ba năm (kể từ ngày phán quyết của Trọng tài nước ngoài có hiệu lực pháp luật), trừ trường hợp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.
Chúng tôi cho rằng, quy định về “thời hạn” gửi đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà không quy định là “thời hiệu yêu cầu” tại Điều 541 Bộ luậtTTDS là chưa phù hợp và tương thích với thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam.
Vướng mắc tiếp theo xảy ra trong cả hai thủ tục công nhận và cho thi hành nêu trên là nếu Tòa án nhận đơn yêu cầu công nhận tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, hay Tòa án hoặc Bộ Tư pháp nhận đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà phát hiện có vi phạm về thời hiệu và thời hạn này thì phải xử lý hậu quả như thế nào?
3. Hậu quả pháp lý của việc không áp dụng “thời hiệu” và “thời hạn” đối với thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, hoặc phán quyết của Trọng tài nước ngoài
Việc Tòa án chủ động áp dụng quy định về thời hiệu, thời hạn hay chỉ áp dụng khi có yêu cầu của một hoặc các bên cũng đòi hỏi phải có hướng xử lý hậu quả nếu đã hết thời hiệu hoặc thời hạn đó. Đây là nội dung rất quan trọng bởi nếu không thì quy định về thời hạn và thời hiệu nói trên sẽ trở nên vô nghĩa.
Các quy định hiện hành tại Bộ luậtTTDS cũng không có bất kỳ một điều khoản nào đề cập đến hậu quả pháp lý khi người yêu cầu vi phạm thời hiệu và thời hạn nộp đơn yêu cầu. Nếu so sánh với quy định về thủ tục giải quyết vụ án dân sự trong Bộ luật này đều đã có ghi nhận tại điểm e khoản 1 Điều 217 về trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án nếu “đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết”. Đối với thủ tục giải quyết việc dân sự, mặc dù không có quy định cụ thể về căn cứ Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự, nhưng có thể áp dụng dẫn chiếu tương tự điểm e khoản 1 Điều 217 nói trên. Bởi lẽ, theo quy định của khoản 2 Điều 361 Bộ luậtTTDS, trong trường hợp luật không quy định thì được phép áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết trong thủ tục giải quyết việc dân sự.
Khoản 5 Điều 437 và khoản 3 Điều 457Bộ luậtTTDS quy định các trường hợp Tòa án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu đều không có trường hợp nào liên quan đến hết thời hiệu hay hết thời hạn yêu cầu. Việc không quy định một cách minh thị trường hợp này sẽ dẫn đến tình trạng áp dụng luật không thống nhất giữa các Tòa án, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
4. Kết luận và kiến nghị
Qua những phân tích trên, mặc dù Bộ luậtTTDS quy định bổ sung về thời hiệu và thời hạn nhằm “để nâng cao trách nhiệm của bên yêu cầu công nhận và cho thi hành, cũng như hiệu quả giải quyết yêu cầu của Tòa án”, tuy nhiên, với việc Bộ luậtTTDS quy định chưa rõ ràng, thiếu biện pháp xử lý hậu quả pháp lý khi có sự vi phạm thời hiệu và thời hạn, chúng tôi đề nghị Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành văn bản hướng dẫn về các vấn đề sau:
Một là, việc áp dụng thời hạn và thời hiệu trong thủ tục công nhận và cho thi hành cũng phải trên cơ sở có yêu cầu của một hoặc các bên;
Hai là, về hậu quả xử lý việc vi phạm thời hiệu, thời hạn (nếu một các bên yêu cầu áp dụng) cũng tương tự như cách giải quyết trong thủ tục vụ và việc dân sự – nghĩa là Tòa án có quyền đình chỉ giải quyết đơn yêu cầu;
Ba là, một hoặc các bên khi yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu trong TTDS phải bằng văn bản độc lập hoặc được ghi vào Biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải./.
>>> Các bào viết quan tâm khác: MẪU BIÊN BẢN PHÂN CHIA THỪA KẾ
Với slogan: “Là điểm tựa của niềm tin”