1. Ưu điểm của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Xét về lịch sử, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên xuất hiện muộn hơn so với các loại hình công ty khác. Bởi khác với các loại hình công ty khác, công ty TNHH một thành viên hoàn toàn là sản phẩm của quá trình lập pháp. Dù vậy, điều đó không làm cản trở sự phát triển mạnh mẽ của loại hình công ty này trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Đức, đây là một trong những loại hình công ty quan trọng nhất kể từ sau khi Đức ban hành Luật Công ty TNHH năm 1892. Ngoài ra, ở hầu hết các nước châu Âu, Nam Mỹ cũng có luật công ty TNHH. Ngay tại Việt Nam, trong số các loại hình doanh nghiệp một chủ sở hữu thì công ty TNHH một thành viên luôn là lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, số lượng công ty TNHH một thành viên luôn chiếm áp đảo so với doanh nghiệp tư nhân.
Hiện nay, công ty TNHH một thành viên được Luật Doanh nghiệp năm 2014 định nghĩa: “Công ty TNHH một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty”1. Căn cứ quy định tại Điều 73 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, công ty TNHH một thành viên có những đặc điểm cơ bản: công ty trong bất kỳ tình huống luôn chỉ có duy nhất một chủ sở hữu (có thể là cá nhân hoặc tổ chức); chủ sở hữu công ty chỉ phải chịu TNHH về tài sản trong phạm vi số vốn góp vào công ty; công ty có tư cách pháp nhân và không được quyền phát hành cổ phiếu. Từ các đặc điểm này, công ty TNHH một thành viên thể hiện rõ các ưu điểm sau:
Thứ nhất, công ty TNHH một thành viên có khả năng giới hạn rất tốt rủi ro về mặt tài chính cho chủ sở hữu công ty này
Tính chịu TNHH xuất hiện từ lâu đời trong lệ của người buôn, lệ dần được ghi nhận thành luật2. TNHH thường được hiểu đó là nghĩa vụ của cổ đông hay của thành viên sẽ phải trả các khoản nợ của công ty, được giới hạn chỉ trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty. Hay còn được hiểu là “tính có giới hạn về khả năng trả nợ của các doanh nghiệp”3. Thông thường, giới kinh doanh khá ưa thích chế độ TNHH, bởi đây là sự bảo đảm an toàn các rủi ro tài chính cho họ.
Công ty TNHH một thành viên có sự bảo đảm an toàn pháp lý khá cao cho chủ sở hữu công ty. Bởi chủ sở hữu công ty này, chỉ phải gánh chịu những hậu quả về mặt tài chính cho các chủ nợ trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Nói cách khác, “công ty có sự tách bạch rõ ràng tài sản của chủ sở hữu góp vào công ty với tài sản ngoài xã hội của họ”4. Vì thế, TNHH là bức tường bảo vệ về tài chính cho chủ sở hữu của công ty này.
Thứ hai, là công ty lý tưởng để kinh doanh trong phạm vi nhỏ
Công ty TNHH một thành viên là loại hình công ty chỉ có duy nhất một chủ sở hữu. Chính vì không có sự tham gia của nhiều thành viên nên quy mô tổ chức của công ty khá nhỏ. Điều này mang lại sự thuận lợi nhất định cho chủ sở hữu công ty. Mặt khác, điểm hấp dẫn của công ty này còn là tính chịu TNHH về tài sản. Do đó, mô hình công ty TNHH một thành viên khá thích hợp với các thương nhân có tư tưởng kinh doanh chỉ với quy mô nhỏ và luôn đòi hỏi sự bảo đảm an toàn cao về mặt tài chính.
Thứ ba, khả năng chủ động, quyết đoán trong kinh doanh
Hình thức công ty một chủ – công ty TNHH một thành viên – có nhiều thuận lợi khi người chủ sở hữu có toàn quyền quyết định mọi vấn đề của công ty mà không lo sợ bị chia sẻ quyền lực. Rõ ràng, khi cần quyết định những vấn đề cấp bách, chủ sở hữu công ty sẽ đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời mà không cần chờ đợi sự biểu quyết nhất trí từ các đồng sở hữu khác. Điều này mang lại sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong công việc kinh doanh, khi người chủ sở hữu công ty không phải chia sẻ thông tin và quyền hạn với các thành viên khác.
Thứ tư, mọi lợi nhuận thu được chỉ thuộc về chủ sở hữu công ty
Chủ sở hữu công ty có toàn quyền quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác của công ty5. Do là loại hình công ty một chủ sở hữu, nên mọi khoản lời từ kết quả kinh doanh của công ty, đương nhiên sẽ chỉ có chủ sở hữu là người duy nhất được thụ hưởng.
Thứ năm, việc chuyển đổi hình thức pháp lý của công ty TNHH một thành viên khá đơn giản, dễ dàng
Công ty TNHH một thành viên có thể tăng vốn điều lệ bằng việc huy động thêm phần vốn góp của người khác và chuyển đổi sang thành hình thức của công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc là công ty cổ phần6. Sở dĩ như vậy là vì, đây là loại hình của công ty đối vốn, nên công ty TNHH một thành viên luôn có thể dễ dàng chuyển đổi hình thức pháp lý sang loại hình công ty khác. Maurice Cozian và Alian Viandier đã nhận xét: “việc ra đời của công ty TNHH một thành viên sẽ đơn giản hóa được việc chuyển từ công ty một hội viên duy nhất sang công ty nhiều hội viên và ngược lại; chỉ cần người hội viên duy nhất nhượng một phần vốn của công ty cho người khác là công ty sẽ trở thành một công ty có nhiều hội viên; việc tăng người như vậy không ảnh hưởng gì đến hình thức pháp lý của công ty”7. Đây là thuận lợi rất lớn cho công ty TNHH một thành viên. Bởi, khi cần thiết, công ty này luôn có thể dễ dàng mở rộng quy mô hoạt động bằng con đường chuyển đổi sang một loại hình công ty nhiều chủ sở hữu.
1. Hạn chế của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Mặc dù công ty TNHH một thành viên có nhiều ưu điểm nổi trội, tuy nhiên, loại hình công ty này vẫn còn tồn tại khá nhiều hạn chế:
Thứ nhất, công ty TNHH một thành viên luôn chứa đựng nhiều rủi ro cho khách hàng và các chủ nợ
Giống với công ty TNHH hai thành viên trở lên, bức tường TNHH là sự bảo vệ rất lớn cho chủ sở hữu của các công ty này, nhưng mặt khác, điều này lại dễ dàng dẫn đến sự lạm dụng của chủ sở hữu công ty, khi họ luôn biết chắc phạm vi rủi ro về tài sản được giới hạn trước của mình8. Nên vì thế, bức tường TNHH có thể sẽ bị lợi dụng và dễ gây ra rủi ro cho chủ nợ, khách hàng. Trên thực tiễn kinh doanh, nhiều cá nhân, tổ chức khi làm ăn với công ty TNHH một thành viên đều tỏ ra khá e dè, thận trọng. Francis Lemeunier từng nhấn mạnh: “đôi khi các công ty này chỉ là tấm bình phong để một số thương nhân sử dụng để hạn chế rủi ro. Vì thế, các chủ ngân hàng và cả người dân thường, khi thỏa thuận cho công ty TNHH vay mượn thường đòi hỏi sự bảo lãnh của thành viên chính của công ty”9.
Thứ hai, khó khăn trong việc mở rộng quy mô của công ty
Là công ty một chủ sở hữu nên thông thường, quy mô hoạt động của công ty TNHH một thành viên khá nhỏ. Về nguyên tắc, nguồn vốn của công ty chỉ dựa vào thành viên duy nhất – chủ sở hữu công ty. Mặt khác, khi phải quyết định những vấn đề quan trọng, chủ sở hữu của công ty không có thêm ý kiến đóng góp hay sự chia sẻ từ các thành viên khác. Nên vì thế, có nhận xét cho rằng, “cùng với quá trình phát triển, quy mô kinh doanh của công ty được mở rộng và đa dạng thêm, do đó nhu cầu về vốn cũng tăng theo. Mô hình công ty TNHH có thể trở nên không còn phù hợp cho sự phát triển tiếp theo của công ty”10. Hạn chế này làm cho công ty TNHH một thành viên khó có khả năng phát triển với quy mô lớn.
Thứ ba, khó khăn trong việc huy động nguồn vốn
Nhu cầu về vốn của doanh nghiệp được thể hiện ở khâu thành lập doanh nghiệp, trong chu kỳ kinh doanh và khi phải đầu tư thêm. Giai đoạn nào doanh nghiệp cũng có nhu cầu về vốn11. Để tạo lợi thế cạnh tranh cho các loại hình của công ty TNHH, pháp luật cho phép công ty TNHH một thành viên có thể huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu khi đáp ứng các điều kiện của luật định12. Tuy nhiên, ngay cả khi công ty được phép huy động vốn bằng phát hành trái phiếu thì cũng phải thỏa mãn các quy định không mấy dễ dàng của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn phát hành chứng khoán13. Như vậy, đến một giai đoạn đòi hỏi nguồn vốn lớn, công ty TNHH một thành viên sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Bởi nguồn vốn của công ty chỉ dựa vào chủ sở hữu công ty.
1. Sự phù hợp giữa công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên với môi trường thương mại tại Việt Nam hiện nay
Luật Doanh nghiệp năm 1999 quy định, “công ty TNHH một thành viên chỉ có một loại hình đối tượng duy nhất đủ điều kiện trở thành thành viên của công ty này, đó là: tổ chức. Tuy nhiên, sau này, để đáp ứng tình hình, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã phát triển và mở rộng cả cá nhân cũng có quyền thành lập công ty TNHH một thành viên”14. Điều này mang lại nhiều thuận lợi cho công ty TNHH một thành viên. Thực tiễn cho thấy, tại Việt Nam hiện nay, công ty TNHH (bao gồm chung cả hai loại hình công ty) là hình thức được ưa chuộng hơn cả15. Từ sau khi có Luật Doanh nghiệp đến nay, số lượng các công ty TNHH nhiều hơn hẳn các công ty cổ phần”16. Như vậy, công ty TNHH một thành viên đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của các nhà kinh doanh. Tuy nhiên trên thực tiễn, loại hình công ty này vẫn khiến nhiều nhà đầu tư và công chúng lo ngại vì những lý do sau:
Trong nền kinh tế thị trường tại Việt Nam, mô hình công ty một chủ sở hữu dường như không thật sự hiệu quả nên được ít nhà đầu tư quan tâm chọn lựa vì khá nhiều lý do. Xu hướng chung, trong khi các nhà kinh doanh tại Việt Nam thường có nhu cầu hợp tác, liên kết, mở rộng quan hệ, đồng thời chia sẻ bớt rủi ro thì chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên luôn bị đặt vào tình trạng rất bất lợi so với nhà quản lý một doanh nghiệp. Bởi chủ sở hữu công ty luôn phải tự mình gồng gánh mọi hoạt động, hay tìm kiếm khách hàng, tự cạnh tranh trên thị trường… Điều đó ít nhiều đã làm cản trở, chi phối các quyết định của chủ sở hữu công ty. Do phải một mình tự quyết định mọi vấn đề nên hiệu quả làm việc của chủ sở hữu công ty ít nhiều bị ảnh hưởng, giảm sút và dễ dẫn tới sai lầm.
Bên cạnh đó, nền kinh tế thị trường luôn đòi hòi sự cạnh tranh khốc liệt đến từ tất cả các loại hình doanh nghiệp. Bởi vậy, nguồn vốn và khả năng huy động vốn dễ dàng lại là những lợi thế cạnh tranh của từng doanh nghiệp. Bất cứ nhà kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp đều mong muốn có thể dễ dàng mở rộng quy mô hoạt động và khả năng thu hút nguồn vốn một cách đơn giản, dễ dàng khi cần thiết. Vì thế, với việc thành lập một loại hình công ty có sự tham gia của nhiều thành viên, ngoài sự san sẻ rủi ro thì việc đóng góp hay thu hút nguồn vốn từ nhiều thành viên khác nhau cũng là những thuận lợi rất lớn. Tuy nhiên, nguồn vốn của công ty TNHH một thành viên chủ yếu có được từ sự đóng góp của chủ sở hữu công ty này. Đây lại là khó khăn cho công ty TNHH một thành viên và là điểm trừ trong sự lựa chọn mô hình doanh nghiệp của các nhà kinh doanh.
Khi đã tham gia kinh doanh, mục tiêu dù ngắn hạn hay dài hạn của các doanh nghiệp cũng đều nhắm đến lợi nhuận. Hay nói cách khác, “vì mục tiêu lợi nhuận tối đa mà các doanh nghiệp có thể kinh doanh với bất cứ giá nào, có thể ảnh hưởng tới lợi ích của các doanh nghiệp khác và thậm chí phương hại tới lợi ích quốc gia”17. Thực tiễn kinh doanh tại Việt Nam cũng đã chứng minh, khá nhiều trường hợp doanh nghiệp kinh doanh thiếu trách nhiệm gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội. Đối với công ty TNHH một thành viên thì công ty này “chỉ có nghĩa vụ trả nợ trong phạm vi có giới hạn (khi bị phá sản), nên rất dễ gây ra rủi ro cho bạn hàng”18. Bức tường TNHH tuy hạn chế được rủi ro cho người chủ sở hữu công ty nhưng cũng vì vậy, nó đã dồn phần rủi ro rất lớn cho khách hàng và chủ nợ. Trong trường hợp công ty bị phá sản thì khách hàng và chủ nợ chỉ có thể đòi công ty và chỉ có thể được thanh toán một phần từ khối tài sản của công ty, “mà không thể buộc thành viên công ty mang tài sản cá nhân để liên đới trả nợ thay cho công ty. Khi làm ăn với công ty TNHH, khách hàng có nhiều lý do để cẩn trọng”19. Ngoài ra, cần phải khẳng định, đạo đức kinh doanh của một số chủ kinh doanh hiện vẫn còn khá thấp, vì vậy, dễ dẫn đến “nguy cơ các chủ kinh doanh lợi dụng tính chịu TNHH để lừa đảo, chiếm dụng vốn của khách hàng hoặc chủ nợ”20. Do vậy, nếu những chủ kinh doanh này kinh doanh dưới hình thức công ty TNHH một thành viên thì càng có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội.
Qua các phân tích trên, có thể thấy rằng, công ty TNHH một thành viên vẫn chưa thật sự phù hợp với sự phát triển của môi trường thương mại tại Việt Nam hiện nay.
1. Kiến nghị
Trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế, không một quốc gia nào có thể phát triển một cách biệt lập. Tất cả các nước đều tham gia vào nền kinh tế thế giới và liên hệ với nhau thông qua hoạt động thương mại và tài chính21. Vì thế, để góp phần phát triển kinh tế thì vai trò của các loại hình công ty là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, chỉ khi các loại hình công ty được khai thác hết tiềm năng, vận hành phù hợp thì mới có thể phát huy hết hiệu quả và khả năng của chúng. Đối với công ty TNHH một thành viên, để loại hình công ty này có thể phát triển mạnh mẽ và phù hợp hơn với môi trường thương mại tại Việt Nam, cần thiết phải xem xét các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần quy định cụ thể các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh có quy mô hoạt động tương đối nhỏ hoặc vừa thì nên thành lập dưới mô hình của công ty TNHH một thành viên. Bởi lẽ, công ty TNHH một thành viên chỉ thực sự hiệu quả (Xekmhtiiếvpậtnrahngàn26h)
1 Điều 73 của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
2 Phạm Duy Nghĩa, Luật Doanh nghiệp: Tình huống – phân tích – bình luận, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009, tr. 68.
3 Nguyễn Như Phát, Giáo trình Luật Kinh tế Việt Nam, Viện Đại học Mở Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, 2011, tr. 33.
4 Nguyễn Vinh Hưng (2016), Công ty TNHH hai thành viên trở lên trong môi trường kinh doanh hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 16 (320), kỳ 2 tháng 8, tr. 41.
5 Điểm l, khoản 1, Điều 75 của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
6 Khoản 3, Điều 87 của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
7 Maurice Cozian, Alian Viandier, Tổ chức công ty, dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Droit des societes: Litec”. 1988, Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, 1990, tr. 156.
8 Nguyễn Vinh Hưng (2016), Công ty TNHH hai thành viên trở lên trong môi trường kinh doanh hiện nay, tlđd, tr. 42.
9 Francis Lemeunier (1993), Nguyên lý và thực hành Luật Thương mại, Luật Kinh doanh, Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 247.
10 Nguyễn Như Phát, Bùi Nguyên Khánh (2006), Luật Kinh tế Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 332 – 333.
11 Lê Thị Thu Thủy, Giáo trình Luật tài chính Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002, tr. 256.
12 Khoản 2, Điều 1, Nghị định 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
13 Khoản 2, Điều 12 của Luật Chứng khoán năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010); và Điều 13, Nghị định 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
14 Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Thương mại, Nxb. Công an nhân dân, 2011, Tập I, tr. 154.
15 Nguyễn Mạnh Bách, Các công ty thương mại, Nxb.Tổng hợp Đồng Nai, 2006, tr. 85.
16 Bùi Ngọc Cường, Giáo trình Luật thương mại, Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2010, Tập I, tr. 58.
17 Lê Thị Thu Thủy, Giáo trình Luật tài chính Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002, tr. 254.
18 Nguyễn Như Phát, Giáo trình Luật Kinh tế Việt Nam, Viện Đại học Mở Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, 2011, tr. 36.
19 Phạm Duy Nghĩa, Luật Doanh nghiệp: Tình huống – phân tích – bình luận, sđd, tr. 71.
20 Nguyễn Như Phát, Phạm Duy Nghĩa, Giáo trình Luật kinh tế Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr. 187.
21 Phạm Quang Vinh, Giáo trình Kinh tế học Vĩ mô, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011, tr. 3.
>>>>>> Bài viết đáng quan tâm khác: Dịch vụ tư vấn thường xuyên được cung cấp bởi Vinalaw
Với slogan: “Là điểm tựa của niềm tin”