BỘ TƯ PHÁP
VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT _________________________________
|
BỘ TÀI CHÍNH
VỤ PHÁP CHẾ ________________
|
ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT PHÍ VÀ LỆ PHÍ
Luật phí và lệ phí được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/12/2015, tại kỳ họp thứ 10. Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 08/12/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH
1. Khắc phục tồn tại của pháp luật phí, lệ phí hiện hành
Pháp lệnh phí và lệ phí được ban hành ngày 28/8/2001 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2002. Qua 13 năm triển khai thực hiện, cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra: (i) Hệ thống văn bản được ban hành kịp thời, đồng bộ, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định về phí, lệ phí; (ii) Công tác tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí đã được công khai, minh bạch, góp phần cải cách thủ tục hành chính; (iii) Cơ chế quản lý phí, lệ phí được đổi mới theo hướng đẩy mạnh xã hội hoá các dịch vụ công, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn; (iv) Tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh một số kết quả nêu trên, một số quy định của pháp luật phí, lệ phí không còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, cụ thể như sau:
– Thứ nhất, về Danh mục phí và lệ phí: Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh được ban hành trong thời kỳ đầu thực hiện chủ trương xã hội hóa dịch vụ công, khi đó, cơ bản các dịch vụ đều do cơ quan nhà nước cung cấp. Qua 13 năm thực hiện, đến nay một số khoản phí đã và đang chuyển sang cơ chế giá theo quy định của Luật chuyên ngành (nhất là một số khoản phí có tác động lớn đến người dân như học phí và viện phí). Mặt khác, thực tiễn đã phát sinh một số khoản phí, lệ phí đã được quy định trong Danh mục nhưng đến nay không còn phù hợp cần phải rà soát bãi bỏ. Ngoài ra, theo quy định tại một số Luật chuyên ngành có quy định thêm một số khoản phí, lệ phí cần đưa vào Danh mục ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí để đảm bảo thống nhất.
– Thứ hai, về nguyên tắc xác định mức thu phí: Pháp lệnh phí và lệ phí chưa quy định bù đắp chi phí, nên chưa thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế tham gia, chưa khuyến khích xã hội hóa các dịch vụ công trong điều kiện nền kinh tế đang chuyển sang cơ chế thị trường, vì vậy, cần quy định nguyên tắc xác định mức thu phù hợp để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cung cấp dịch vụ công.
– Thứ ba, về quản lý và sử dụng phí, lệ phí: Pháp lệnh hiện hành quy định tổ chức thu được để lại một phần phí, lệ phí (trong trường hợp ủy quyền thu) để trang trải chi phí thu. Một số cơ quan hành chính có thu phí, lệ phí thì số tiền thu được từ các khoản phí, lệ phí để lại được coi là nguồn thu để trang trải các chi phí thu và chi phí hoạt động. Điều này, dẫn đến khó khăn cho công tác kiểm soát, hạch toán thu – chi ngân sách nhà nước. Vì vậy, cần sửa đổi quy định về quản lý và sử dụng phí, lệ phí phù hợp với Luật ngân sách nhà nước.
2. Thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước
Những năm qua, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đã được ban hành theo hướng đổi mới, nhất là đổi mới cơ chế hoạt động của khu vực sự nghiệp công. Kết luận Hội nghị Trung ương 6 khóa X đề ra định hướng đổi mới cơ chế hoạt động đối với khu vực sự nghiệp công lập theo hướng: Đơn vị sự nghiệp được thu phí dịch vụ (giá) tính đủ tiền lương và từng bước tính đủ các chi phí khác. Tại Kết luận số 37-TB/TW ngày 26/5/2011 của Bộ Chính trị về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp đã định hướng: Nhà nước trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị công lập đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính và thực hiện có lộ trình việc xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ…
Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu mới đặt ra trong quá trình cải cách hành chính, đồng thời đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09/8/2012 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện thông báo Kết luận 37-TB/TW của Bộ Chính trị, theo đó: Khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển dịch vụ sự nghiệp công để hướng tới việc cung cấp tốt hơn dịch vụ cho mọi tầng lớp nhân dân; thực hiện có lộ trình việc xoá bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh và đảm bảo lợi ích của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
Vì vậy, cần phải sửa đổi pháp luật phí, lệ phí để phù hợp với chủ trương chính sách nêu trên của Đảng và Nhà nước ta.
3. Đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với Chiến lược cải cách thuế và thông lệ quốc tế
Chính sách phí, lệ phí đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước cũng như điều tiết hoạt động kinh tế – xã hội đất nước. Để đảm bảo chính sách thuế, phí, lệ phí được xây dựng phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế năm 2011-2020. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là: Xây dựng và thực hiện chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu,…; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng cao, bền vững, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo nhu cầu chi tiêu cần thiết hợp lý của ngân sách nhà nước.
Cải cách thủ tục hành chính là một trong những trọng tâm của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết về cải cách thủ tục hành chính trong các ngành, lĩnh vực. Việc hoàn thiện chính sách phí, lệ phí góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong các ngành, lĩnh vực, góp phần giảm chi phí hành chính, minh bạch hóa hoạt động quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT
1. Thiết lập khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật có liên quan.
2. Từng bước tập trung phản ánh kịp thời, đầy đủ nguồn thu từ phí, lệ phí; khắc phục hạn chế trong quản lý nguồn thu từ phí, lệ phí.
3. Từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với quá trình đổi mới cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ công, phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
4. Đảm bảo chính sách phí, lệ phí công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính.
III. BỐ CỤC CỦA LUẬT
Luật gồm 06 chương, 25 điều:
– Chương I. Những quy định chung (gồm 07 điều, từ Điều 1 đến Điều 7) quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; danh mục và thẩm quyền quy định phí, lệ phí; áp dụng Luật phí và lệ phí, các luật có liên quan và điều ước quốc tế; người nộp phí, lệ phí; tổ chức thu phí, lệ phí.
– Chương II. Nguyên tắc xác định mức thu, miễn, giảm phí, lệ phí (gồm 03 điều, từ Điều 8 đến Điều 10) quy định về nguyên tắc xác định mức thu phí, lệ phí; miễn, giảm phí, lệ phí.
– Chương III. Kê khai, thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí (gồm 03 điều, từ Điều 11 đến Điều 13) quy định về kê khai, nộp phí, lệ phí; thu, nộp, quản lý và sử dụng phí; thu, nộp lệ phí.
– Chương IV. Quyền, trách nhiệm của tổ chức thu và người nộp phí, lệ phí (gồm 03 điều, từ Điều 14 đến Điều 16) quy định về trách nhiệm của tổ chức thu phí, lệ phí; quyền, trách nhiệm của người nộp phí, lệ phí; hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm.
– Chương V. Thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về quản lý phí và lệ phí (gồm 06 điều, từ Điều 17 đến Điều 22) quy định về thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội; thẩm quyền và trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tài chính; trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ; thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; thẩm quyền và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
– Chương VI. Điều khoản thi hành (gồm 03 điều, từ Điều 23 đến Điều 25) quy định về hiệu lực thi hành; quy định chuyển tiếp và quy định chi tiết.
IV. NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA LUẬT
1. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)
Do Pháp lệnh hiện hành quy định các khoản phí gắn với dịch vụ công, dịch vụ do cả Nhà nước và doanh nghiệp cung cấp đã dẫn đến không khuyến khích doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công. Để đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực tham gia cung cấp dịch vụ công, Luật phí và lệ phí đã quy định: Danh mục các khoản phí, lệ phí gắn với dịch vụ công do Nhà nước cung cấp; trường hợp dịch vụ đó do doanh nghiệp cung cấp thực hiện theo cơ chế giá (Điều 1).
2. Về Danh mục phí, lệ phí (Điều 4 và phụ lục số 01 ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí)
– Về Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001 gồm 73 khoản phí, được sắp xếp thành 12 nhóm theo tính chất công việc gắn với lĩnh vực, nhóm ngành và giao Chính phủ quy định chi tiết Danh mục (Chính phủ đã quy định chi tiết thành 171 loại tại Nghị định số 24/2006/NĐ-CP). Qua 13 năm thực hiện, một số khoản phí đã và đang chuyển sang cơ chế giá theo quy định của Luật chuyên ngành (đặc biệt là một số khoản phí có tác động lớn đến người dân như học phí và viện phí). Để khuyến khích xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cung cấp dịch vụ công, danh mục phí đã được rà soát và chuyển mạnh sang cơ chế giá dịch vụ, cụ thể như:
+ Đưa ra khỏi Danh mục phí (ban hành kèm theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP) 70 khoản phí, gồm: 03 khoản phí được quy định trong Danh mục nhưng qua 13 năm chưa phát sinh; 10 khoản phí trước đây có quy định thu nhưng hiện nay đã dừng thu để phù hợp với tình hình thực tế; 04 khoản phí có cùng đối tượng điều chỉnh cần rà soát thu gọn Danh mục (phí sử dụng đường thủy nội địa, phí sử dụng đường biển); 09 khoản phí quy định trong Danh mục nhưng không còn phù hợp với thực tế; 44 khoản phí chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá (thủy lợi phí; phí chợ; phí đấu thầu, đấu giá).
+ Bổ sung 111 khoản phí, các khoản phí này được tách ra quy định chi tiết hơn từ các khoản phí hiện hành và các khoản phí được quy định ở các luật chuyên ngành. Ví dụ như Phí sử dụng kho số viễn thông được quy định chi tiết thành 10 khoản tại Thông tư của Bộ Tài chính gồm: Phí sử dụng số thuê bao; Phí sử dụng mã nhà khai thác; Phí sử dụng mã mạng di động; Phí sử dụng mã dịch vụ; Phí sử dụng số dịch vụ nội vùng; Phí sử dụng số dịch vụ toàn quốc; Phí sử dụng số dịch vụ tin nhắn ngắn; Phí sử dụng mã nhận dạng mạng số liệu; Phí sử dụng mã điểm báo hiệu; Phí sử dụng mã nhận dạng mạng di động (10 khoản này hiện đang thu và đã được quy định chi tiết trong Danh mục ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí).
– Về Danh mục lệ phí theo pháp lệnh gồm 42 khoản lệ phí, được xếp thành 5 nhóm, phù hợp với nhóm các công việc quản lý hành chính nhà nước và giao Chính phủ quy định chi tiết Danh mục (Chính phủ đã quy định chi tiết thành 130 loại, tại Nghị định số 24/2006/NĐ-CP). Một số dịch vụ công do cùng cơ quan cung cấp nhưng quy định thu 02 khoản (thu phí thẩm định để bù đắp chi phí cho việc thẩm định và thu lệ phí cấp giấy phép) điều này làm tăng thủ tục hành chính, chi phí thu nộp cho cả cơ quan thu và người nộp. Để giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí thu, nộp, Luật đã gộp chung các khoản phí, lệ phí này thành 01 khoản thu như sau:
+ Đưa ra khỏi Danh mục lệ phí (ban hành kèm theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP) 68 khoản lệ phí, gồm 06 khoản lệ phí đã được quy định trong Danh mục lệ phí nhưng đến nay chưa thu, dừng thu; 39 khoản lệ phí bãi bỏ để cải cách thủ tục hành chính; 16 khoản lệ phí bãi bỏ để phù hợp với thực tế triển khai; 07 khoản lệ phí chuyển sang thu phí.
+ Bổ sung 45 khoản lệ phí gồm các khoản lệ phí được tách ra quy định chi tiết hơn từ các khoản lệ phí hiện hành và các khoản phí được quy định ở các luật chuyên ngành.
Để đảm bảo minh bạch về thẩm quyền quy định các loại phí, lệ phí, Quốc hội đã quy định chi tiết Danh mục phí, lệ phí (thay vì giao Chính phủ quy định chi tiết như tại Pháp lệnh phí và lệ phí). Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật gồm 212 khoản phí và 107 khoản lệ phí.
3. Về áp dụng thống nhất quy định về phí, lệ phí (Điều 5)
Phí, lệ phí gắn liền với dịch vụ công cung cấp. Trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội dự kiến sẽ có nhiều Luật chuyên ngành được Quốc hội ban hành. Trong đó, sẽ phát sinh thêm các dịch vụ cần quy định thu phí, lệ phí (ngoài các khoản đã quy định trong Danh mục kèm Luật phí và lệ phí) mà hiện chưa lường hết.
Để đảm bảo thống nhất hệ thống chính sách pháp luật về phí, lệ phí, Điều 5 của Luật quy định: Trường hợp luật khác có quy định về phí, lệ phí thì các nội dung về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí thực hiện theo quy định của Luật này.
4. Về nguyên tắc xác định mức thu phí và lệ phí (Điều 8, Điều 9)
a) Đối với phí
Pháp lệnh phí và lệ phí quy định nguyên tắc xác định mức thu phí, theo đó: đối với các dịch vụ do Nhà nước đầu tư phải bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, có tính đến chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ; đối với các dịch vụ do tổ chức, cá nhân đầu tư vốn phải bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp (Điều 12).
Tuy nhiên, phí gắn với hoạt động dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực. Mỗi dịch vụ có tính chất, đặc điểm và khả năng xã hội hóa khác nhau nên mức thu phí được xác định khác nhau (có khoản phí mức thu chỉ nhằm bù đắp một phần chi phí, có khoản phí mức thu đảm bảo bù đắp toàn bộ chi phí). Hiện các khoản phí trong Luật đều do cơ quan nhà nước cung cấp. Trong tương lai, một số khoản phí có khả năng xã hội hóa cao, có thể chuyển giao cho doanh nghiệp cung cấp, do đó, mức thu phí cần tính đến bù đắp chi phí để khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư cung cấp dịch vụ công. Mặt khác, chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ khác nhau nên mức thu phí cũng cần đảm bảo phù hợp với “chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ”. Vì vậy, Điều 8 Luật phí và lệ phí đã quy định nguyên tắc xác định mức thu phí, như sau: Mức thu phí được xác định cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.
b) Đối với lệ phí
Pháp lệnh phí và lệ phí quy định: Mức thu lệ phí được ấn định trước; không nhằm mục đích bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân (Điều 13). Lệ phí là khoản tiền phải trả khi được cung cấp dịch vụ hành chính công và tùy thuộc vào tính chất của dịch vụ hành chính công, lệ phí phân thành 3 nhóm: Lệ phí không bù đắp hết chi phí, lệ phí bù đắp đủ chi phí, lệ phí cao hơn chi phí. Như vậy, mức thu lệ phí tuy có khác nhau và không phải lúc nào cũng đặt vấn đề bù đắp chi phí. Kế thừa quy định này của Pháp lệnh, Luật tiếp tục quy định tại Điều 9 như sau: “Mức thu lệ phí được ấn định trước, không nhằm mục đích bù đắp chi phí; mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.”.
5. Về miễn, giảm phí, lệ phí (Điều 10)
Mỗi loại phí, lệ phí đối tượng chịu phí, đối tượng sử dụng và phương thức tính phí rất khác nhau; chính sách của nhà nước trong từng giai đoạn khác nhau. Vì vậy, Điều 10 Luật phí và lệ phí quy định: Các đối tượng thuộc diện miễn, giảm phí, lệ phí bao gồm trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm án phí và lệ phí tòa án; Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền.
6. Về quản lý và sử dụng phí, lệ phí (Điều 12)
Để đảm bảo quản lý thống nhất nguồn thu từ phí, lệ phí; bước đầu đồng bộ với quy định tại Luật ngân sách nhà nước năm 2015, Điều 12, Luật phí và lệ phí quy định: Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước, trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ, phần còn lại nộp ngân sách nhà nước.
Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí trên cơ sở dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, phần còn lại nộp ngân sách nhà nước.
Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí; phần còn lại nộp ngân sách nhà nước; việc quản lý và sử dụng phí thu được theo quy định của pháp luật.
7. Về thẩm quyền quy định phí, lệ phí (Điều 17, Điều 18, Điều 19 và Điều 21)
Phí, lệ phí liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân; để đảm bảo rõ ràng, minh bạch về quyền và trách nhiệm của công dân, Danh mục chi tiết các khoản phí, lệ phí được ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí. Luật quy định thẩm quyền của 04 cơ quan đối với từng khoản phí, lệ phí trong Danh mục bao gồm: Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
– Thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội: Quyết định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí vào Danh mục giữa 02 kỳ họp Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.
– Thẩm quyền của Chính phủ: Thống nhất quản lý nhà nước về phí, lệ phí; quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí được giao trong Danh mục; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí trong Danh mục và mức thu, miễn, giảm án phí, lệ phí tòa án.
– Thẩm quyền của Bộ Tài chính: Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với các loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền; hướng dẫn thực hiện chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền phí, lệ phí thu được.
– Thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: Quyết định mức thu; miễn, giảm; chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí được phân cấp, do Ủy ban nhân dân cùng cấp trình theo quy định.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật
Để triển khai Luật phí và lệ phí thì cần ban hành: 01 Pháp lệnh án phí và lệ phí tòa án; 06 Nghị định của Chính phủ và trên 100 Thông tư (thay thế 182 Thông tư hiện hành). Các nghị định dự kiến ban hành bao gồm:
– Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật phí và lệ phí (thay thế Nghị định 57/2002/NĐ-CP, Nghị định 24/2006/NĐ-CP).
– Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (thay thế Nghị định 25/2013/NĐ-CP).
– Nghị định quy định lệ phí đăng ký nuôi con nuôi (bãi bỏ 09 Điều của Nghị định 19/2011/NĐ-CP).
– Nghị định quy định về lệ phí trước bạ (thay thế Nghị định 23/2013/NĐ-CP, Nghị định 45/2011/NĐ-CP ).
– Nghị định quy định về lệ phí môn bài (thay thuế môn bài hiện hành).
– Nghị định về giá (thay thế Nghị định 177/2013/NĐ-CP).
2. Tuyên truyền, phổ biến về Luật phí và lệ phí
– Thực hiện Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2016 của Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 2739/QĐ-BTC ngày 22/12/2015, trong năm 2016, Bộ Tài chính sẽ tổ chức giới thiệu, tập huấn, phổ biến Luật thông qua các cơ quan báo chí trong và ngoài ngành Tài chính; nhất là với các doanh nghiệp và các tổ chức khác là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Luật.
– Thực hiện các chuyên mục, chương trình, tin, bài phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành trên website, báo chí, truyền hình trung ương và địa phương./.
>>>>>> Bài viết đáng quan tâm khác: Dịch vụ tư vấn thường xuyên được cung cấp bởi Vinalaw
Với slogan: “Là điểm tựa của niềm tin”