ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT TỔ CHỨC CƠ QUAN ĐIỀU TRA HÌNH SỰ > CÔNG TY LUẬT HỢP DANH VIỆT NAM

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT TỔ CHỨC CƠ QUAN ĐIỀU TRA HÌNH SỰ

BỘ TƯ PHÁP

VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

BỘ CÔNG AN

CỤC PHÁP CHẾ VÀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, TƯ PHÁP

 

 

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU 

LUẬT TỔ CHỨC CƠ QUAN ĐIỀU TRA HÌNH SỰ

Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sau đây viết tắt là Luật) được Quốc hội Khóa XIII thông qua ngày 26/11/2015 tại kỳ họp thứ 10; được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 8/12/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016.

I. SỰ CẦN THIẾT BAN  HÀNH LUẬT

  Ngày 20/8/2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự (sửa đổi, bổ sung các năm 2006, năm 2009) (sau đây gọi là Pháp lệnh). Thực hiện các quy định của Pháp lệnh, tổ chức Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã được tổ chức theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu, ngày càng đi vào ổn định và hoạt động có hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, phục vụ tích cực công cuộc đổi mới của đất nước. Từ khi Pháp lệnh được ban hành đến tháng 01/2015, các cơ quan điều tra và cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã tiếp nhận, giải quyết 845.950 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố 733.339 vụ án hình sự với 1.146.865 bị can. Tuy nhiên, do thực tiễn tình hình có nhiều thay đổi, Pháp lệnh đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác điều tra hình sự như: Còn có nhiều quy định chung nên khi thực hiện phải có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, một số quy định về thẩm quyền điều tra, quan hệ phối hợp trong hoạt động điều tra, quan hệ giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, quy định về Điều tra viên… chưa cụ thể. Bên cạnh đó, do được ban hành từ lâu nên một số nội dung của Pháp lệnh chưa thể chế hóa, cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp (theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020) và các quy định của Hiến pháp năm 2013 về nguyên tắc, tổ chức hoạt động và cơ chế kiểm soát quyền lực của các cơ quan tư pháp, các quy định về ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân… trong hoạt động điều tra hình sự. Vì vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng Luật tổ chức Cơ quan điều ta hình sự.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT

Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự được xây dựng trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo sau đây:

1. Quán triệt, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước về tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra hình sự nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

2. Phù hợp với Hiến pháp, sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động điều tra hình sự.

3. Trên cơ sở tổng kết thi hành Pháp lệnh năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành; kế thừa các quy định còn phù hợp đang phát huy tác dụng tốt, khắc phục tồn tại, bất cập, hạn chế của pháp luật về điều tra hình sự; đáp ứng yêu cầu của công tác điều tra hình sự trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình  hiện nay và những năm tiếp theo. Tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật; thực tiễn tổ chức điều tra hình sự của một số nước phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

4. Bảo đảm trong hoạt động điều tra hình sự, sự chỉ đạo, chỉ huy tập trung thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phân công, phân cấp rành mạch và được kiểm soát chặt chẽ; điều tra nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khách quan, toàn diện, đầy đủ, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

III. BỐ CỤC VÀ NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT

  1. Bố cục của Luật

Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự gồm 10 chương, 73 điều:

  Chương I. Những quy định chung: Chương này gồm có 14 điều (từ Điều 1 đến Điều 14), quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự; hệ thống Cơ quan điều tra; nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra; các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và các cá nhân trong hoạt động điều tra hình sự; giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cư đối với hoạt động điều tra hình sự; những hành vi bị nghiêm cấm.

  Chương II. Tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra của Công an nhân dân: Chương này gồm 02 mục với 07 điều (từ Điều 15 đến Điều 21), quy định về tổ chức bộ máy của Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân và nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh; tổ chức bộ máy của Cơ quan Cảnh sát điều tra và nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện.

  Chương III. Tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân: Chương này gồm 02 mục với 07 điều (từ Điều 22 đến Điều 28), quy định về  tổ chức bộ máy của Cơ quan An ninh điều tra trong Quân đội nhân dân và nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng, Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương; tổ chức bộ máy của Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân và nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự khu vực.

  Chương IV. Tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Chương này gồm 03 điều (từ Điều 29 đến Điều 31), quy định về tổ chức bộ máy Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương.

  Chương V. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra: Chương này gồm 08 điều (từ Điều 32 đến Điều 39), quy định về nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, các cơ quan của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

  Chương VI. Quan hệ phân công và phối hợp trong hoạt động điều tra hình sự: Chương này gồm 05 điều (từ Điều 40 đến Điều 44), quy định về quan hệ giữa các cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; ủy thác điều tra; quan hệ giữa đơn vị điều tra và đơn vị trinh sát; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan Công an, Quân đội các cấp đối với hoạt động điều tra hình sự; trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an.

  Chương VII. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên và Cán bộ điều tra: Chương này gồm 15 điều (từ Điều 45 đến Điều 59), quy định về Điều tra viên; ngạch Điều tra viên; tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên; bổ nhiệm Điều tra viên trong trường hợp đặc biệt; nhiệm kỳ của Điều tra viên; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên và những việc Điều tra viên không được làm; quy định về Hội đồng thi tuyển Điều tra viên; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên và các quy định về Cán bộ điều tra.

  Chương VIII. Bảo đảm điều kiện cho hoạt động điều tra hình sự: Chương này gồm 04 điều (từ Điều 60 đến Điều 63), quy định về chế độ chính sách đối với người làm công tác điều tra hình sự; bảo đảm biên chế, đào tạo, bồi dưỡng trong công tác điều tra hình sự; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động điều tra hình sự; kinh phí cho hoạt động điều tra hình sự.

  Chương IX. Trách  nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác điều tra hình sự: Chương này gồm 07 điều (từ Điều 64 đến Điều 70), quy định về trách nhiệm của Chính phủ thống nhất quản lý về công tác điều tra hình sự và giao Bộ Công an có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý về công tác điều tra hình sự; trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công an; trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; trách nhiệm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài chính; trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trách nhiệm của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

  Chương X. Điều khoản thi hành: Chương này gồm 03 điều (từ Điều 71 đến Điều 73), quy định hiệu lực thi hành; quy định chuyển tiếp và quy định chi tiết. Theo Điều 71 thì Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015.

  2. Những nội dung cơ bản của Luật

  2.1. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

  Luật quy định về nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự; tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Điều tra viên và các chức danh khác trong điều tra hình sự; quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát trong hoạt động điều tra hình sự; bảo đảm điều kiện cho hoạt động điều tra hình sự và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

  2.2. Về nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự (Điều 3)

  Nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự bao gồm:

  – Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

  – Bảo đảm sự chỉ đạo, chỉ huy tập trung thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phân công, phân cấp rành mạch, chuyên sâu, tránh chồng chéo và được kiểm soát chặt chẽ; điều tra kịp thời, nhanh chóng, chính xác, khách quan, toàn diện, đầy đủ, không để lọt tội phạm và không làm oan sai người vô tội.

  – Cơ quan điều tra cấp dưới chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của Cơ quan điều tra cấp trên; cá nhân chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

  – Chỉ cơ quan, người có thẩm quyền quy định trong Luật này mới được tiến hành hoạt động điều tra hình sự.

  2.3. Về hệ thống Cơ quan điều tra (Điều 4)

  Kế thừa các quy định của Pháp lệnh năm 2004, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự tiếp tục quy định hệ thống cơ quan điều tra, bao gồm:

  – Cơ quan điều tra của Công an nhân dân.

  – Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân.

  – Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

  2.4. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra (Điều 8)

  Cơ quan điều tra có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

  – Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

  – Tiếp nhận hồ sơ vụ án do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chuyển giao.

  – Tiến hành điều tra các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do luật định để phát hiện, xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội; lập hồ sơ, đề nghị truy tố.

  – Tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội và yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.

  2.5. Quy định về các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 9)

Luật tiếp tục kế thừa các quy định của Pháp lệnh năm 2004 giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cho Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển và một số cơ quan trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân. Căn cứ yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Luật bổ sung quy định Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt điều tra; bổ sung, loại bỏ nhiệm vụ tiến hành một số hoạt điều tra của một số đơn vị trong Công an nhân dân cho phù hợp với thực tiễn, cụ thể như sau:

– Đối với Bộ đội biên phòng, Luật giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cho các cơ quan: Cục trinh sát biên phòng, Cục phòng, chống ma túy và tội phạm, Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh; Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng, Đồn biên phòng.

– Đối với Hải quan, Luật giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cho các cơ quan: Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chi cục Hải quan cửa khẩu.

– Đối với Kiểm lâm, Luật giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cho các cơ quan: Cục Kiểm lâm; Chi cục Kiểm lâm vùng: Chi cục Kiểm lâm tỉnh; Hạt Kiểm lâm.

– Đối với Cảnh sát biển, Luật giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cho các cơ quan: Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển; Cục Nghiệp vụ và pháp luật; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy; Hải đoàn; Hải đội; Đội nghiệp vụ.

– Đối với Kiểm ngư, là cơ quan thuộc lĩnh vực đặc thù có số vụ vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Do Pháp lệnh năm 2004 chưa quy định Kiểm ngư có nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, nên trong nhiều trường hợp, hoạt động của lực lượng Kiểm ngư không đủ sức ngăn chặn, xử lý, răn đe tội phạm, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo vệ chủ quyền biển đảo theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Vì vậy, qua thảo luận, Quốc hội nhất trí bổ sung nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cho Cục Kiểm ngư và Chi cục Kiểm ngư vùng.

– Đối với các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Căn cứ vào thực tiễn và yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Luật đã bổ sung quy định Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là những cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Đồng thời, loại bỏ nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Trại tạm giam, Cảnh sát hỗ trợ tư pháp, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội để đảm bảo việc thu gọn đầu mối. Theo đó, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân gồm có: Cục Quản lý xuất nhập cảnh; các cục nghiệp vụ an ninh ở Bộ Công an; Phòng Quản lý xuất nhập cảnh; các phòng nghiệp vụ an ninh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Phòng Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trại giam.

– Đối với các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân, so với Pháp lệnh năm 2004, Luật đã loại bỏ nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Trại tạm giam; tiếp tục quy định Trại giam, đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

2.6. Về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra (Điều 11)

Về cơ bản, Luật tiếp tục kế thừa các quy định về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra trong Pháp lệnh năm 2004, có một số điều chỉnh cho phù hợp với Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2015, cụ thể là:

Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra nhằm bảo đảm cho hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tuân thủ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này; phải phát hiện kịp thời và yêu cầu, kiến nghị Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra.

Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật.

2.7. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và hoạt động giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động điều tra hình sự (Điều 12, Điều 13)

Nội dung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và hoạt động giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động điều tra hình sự trong Pháp lệnh năm 2004 cho tới nay vẫn còn phù hợp, vì thế, Luật tiếp tục kế thừa, chỉ điều chỉnh về mặt kỹ thuật lập pháp cho phù hợp, cụ thể là:

– Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động điều tra hình sự

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm, vụ việc phạm tội, kiến nghị khởi tố; có trách nhiệm thực hiện yêu cầu, quyết định và tạo điều kiện để Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, người có thẩm quyền điều tra hình sự thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động điều tra hình sự.

Cơ quan nhà nước có trách nhiệm thông báo ngay cho Cơ quan điều tra mọi hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình; có quyền kiến nghị và gửi tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra để xem xét khởi tố đối với người có hành vi phạm tội; thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, người có thẩm quyền điều tra hình sự thực hiện nhiệm vụ điều tra.

Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị, tố giác, báo tin về tội phạm và phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm.

– Về giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động điều tra hình sự

Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, người có thẩm quyền điều tra hình sự theo quy định của pháp luật.

Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã yêu cầu, kiến nghị theo quy định của pháp luật. 

2.8. Về những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 14)

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Pháp lệnh năm 2004 và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Luật đã quy định 05 nhóm hành vi bị nghiêm cấm như sau:

– Làm sai lệch hồ sơ vụ án; truy cứu trách nhiệm hình sự người không có hành vi phạm tội; không truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự; ra quyết định trái pháp luật; ép buộc người khác làm trái pháp luật; làm lộ bí mật điều tra vụ án; can thiệp trái pháp luật vào việc điều tra vụ án hình sự.

– Bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

– Cản trở người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa, trợ giúp pháp lý; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.

– Cản trở người bào chữa, người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện việc bào chữa, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

– Chống đối, cản trở hoặc tổ chức, lôi kéo, xúi giục, kích động, cưỡng bức người khác chống đối, cản trợ hoạt động điều tra hình sự; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người thi hành công vụ trong điều tra hình sự.

2.9. Về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra của Công an nhân dân

a) Tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan An ninh điều tra

– Về tổ chức bộ máy (Điều 15): Tổ chức bộ máy của Cơ quan An ninh điều tra vẫn giữ như Pháp lệnh năm 2004, cụ thể như sau:

Tổ chức bộ máy của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an gồm có các phòng điều tra, phòng nghiệp vụ và Văn phòng Cơ quan An ninh điều tra.

Tổ chức bộ máy của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh gồm có các đội điều tra, đội nghiệp vụ và bộ máy giúp việc Cơ quan An ninh điều tra.

– Về nhiệm vụ, quyền hạn (Điều 16, Điều 17)

+ Đối với Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an có 06 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn là:

* Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

* Tiến hành điều tra vụ án hình sự về các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra; vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại.

* Hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra và kiểm tra việc chấp hành pháp luật, nghiệp vụ trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh; hướng dẫn các cơ quan của lực lượng An ninh nhân dân thuộc Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện hoạt động điều tra.

* Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm.

* Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân.

* Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

+ Đối với Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh: Luật giao 06 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

* Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

* Tiến hành điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Chương XIII, Chương XXVI và các tội phạm quy định tại các điều 207, 208, 282, 283, 284, 299, 300, 303, 304, 305, 309, 337, 338, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân; tiến hành điều tra vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc để bảo đảm khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an.

* Hướng dẫn các cơ quan của lực lượng An ninh nhân dân thuộc Công an cấp tỉnh được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện hoạt động điều tra.

* Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm.

* Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm của lực lượng An ninh nhân dân thuộc Công an cấp tỉnh báo cáo Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.

* Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự.

So với quy định của Pháp lệnh năm 2004 về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan An ninh điều tra trong Công an nhân dân cho thấy, Luật đã có những sửa đổi, bổ sung đáng chú ý sau:

(1) Bổ sung thẩm quyền điều tra cho Cơ quan An ninh điều tra đối với các tội khủng bố, tội tài trợ khủng bố;

(2) Sửa đổi thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an theo hướng: quy định rõ thẩm quyền điều tra đối với các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra cấp tỉnh chỉ trong các trường hợp tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra; vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại.

(3) Bổ sung quy định “Cơ quan An ninh điều tra cấp tỉnh có thẩm quyền tiến hành điều tra vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc để bảo đảm khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an” nhằm đảm bảo tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là trong trường hợp do yêu cầu chính trị, phải chuyển hướng xử lý đối với các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia.

b) Tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra

– Về tổ chức bộ máy (Điều 18): Tổ chức bộ máy của Cơ quan Cảnh sát điều tra về cơ bản vẫn giữ như Pháp lệnh năm 2004, có điều chỉnh, bổ sung một số nội dung (hợp nhất Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ thành Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ; Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ thành Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ; bổ sung Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu) cho phù hợp thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, cụ thể như sau:

Đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an: Tổ chức bộ máy của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an gồm có:

Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra;

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (gọi tắt là Cục Cảnh sát hình sự);

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ;

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy;

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, xâm phạm sở hữu trí tuệ (gọi tắt là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu).

Đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh: Tổ chức bộ máy của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh gồm có:

Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra;

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (gọi tắt là Phòng Cảnh sát hình sự);

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ;

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy;

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, xâm phạm sở hữu trí tuệ (gọi tắt là Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu).

Đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện: Tổ chức bộ máy của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện gồm có:

Đội Điều tra tổng hợp;

Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (gọi tắt là Đội Cảnh sát hình sự);

Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ;

Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy.

Căn cứ tình hình tội phạm và yêu cầu thực tiễn, Luật giao cho Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập từ một đến bốn đội, ra quyết định giải thể, sáp nhập, thu gọn đầu mối các đội trong Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện.

– Về nhiệm vụ, quyền hạn

Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an: Cơ Luật giao 06 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

* Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

* Tiến hành điều tra vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra; các vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại.

* Hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra và kiểm tra việc chấp hành pháp luật, nghiệp vụ trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm đối với các cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện; hướng dẫn các cơ quan của lực lượng Cảnh sát nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện hoạt động điều tra.

* Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm.

* Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an nhân dân.

* Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh: Luật giao 06 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

* Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

* Tiến hành điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 21 của Luật này khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.

* Hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra và kiểm tra việc chấp hành pháp luật, nghiệp vụ trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện; hướng dẫn các cơ quan của lực lượng Cảnh sát nhân dân thuộc Công an cấp tỉnh được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện hoạt động điều tra.

* Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm.

* Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện.

* Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện: Luật giao 06 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

* Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

* Tiến hành điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XIV đến Chương XXIV của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân.

* Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm.

* Kiểm tra, hướng dẫn Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm.

* Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện.

* Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

So với quy định của Pháp lệnh năm 2004 cho thấy, Luật đã có những sửa đổi, bổ sung đáng chú ý sau đây:

(1) Bỏ quy định “bộ máy giúp việc cơ quan Cảnh sát điều tra” và thành lập “Đội điều tra tổng hợp” ở Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện.

(2) Quy định tên gọi tắt của Cục, Phòng, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội là Cục, Phòng, Đội Cảnh sát hình sự; Cục, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, xâm phạm sở hữu trí tuệ là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu.

(3) Sửa đổi thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an theo hướng: Quy định rõ thẩm quyền điều tra đối với các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp tỉnh chỉ trong các trường hợp tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra; vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an nhân dân do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại.

2.10. Về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân

– Về tổ chức bộ máy của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, Điều 22 của Luật quy định như sau:

+ Tổ chức bộ máy của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng gồm có các phòng điều tra, phòng nghiệp vụ và bộ máy giúp việc.

+ Tổ chức bộ máy của Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương gồm có Ban điều tra và bộ máy giúp việc.

  Căn cứ vào nhiệm vụ và tổ chức của Quân đội nhân dân trong từng thời kỳ, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập hoặc giải thể Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương.

 – Về nhiệm vụ và quyền hạn của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, Luật đã bổ sung quyền điều tra đối với các tội phạm quy định tại các điều 207, 208, 282, 283, 284, 299, 300, 303, 304, 305, 309, 337, 338, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cho Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương trong Quân đội nhân dân để đảm bảo phù hợp với thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân.

  2.11. Về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao

  – Về tổ chức bộ máy Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Điều 29 của Luật quy định: “Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có các phòng điều tra và bộ máy giúp việc; Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương gồm có Ban điều tra và bộ phận giúp việc”.

– Về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Căn cứ Điều 20 của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân “khi người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp trong khi tiến hành hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật mà phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ thì thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương”, Luật đã bổ sung vào nhiệm vụ của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát quân sự trung ương “được tiến hành điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại các Chương XXIII, Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự” (khoản 2 Điều 30 và khoản 2 Điều 31).

So với quy định của Pháp lệnh năm 2004 về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho thấy Luật đã có những sửa đổi, bổ sung đáng chú ý sau đây:

(1) Quy định rõ hơn về tổ chức của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương: Có Ban điều tra (Pháp lệnh năm 2004 chỉ quy định “bộ phận điều tra”).

(2) Bổ sung nhiệm vụ tiến hành điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại các Chương XXIII, Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự.

2.12. Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (các Điều 10, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39)

– Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nói chung được quy định tại Điều 10 của Luật, cụ thể là:

Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm hoặc phát hiện hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh và điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này.

So với quy định của Pháp lệnh năm 2004, Luật đã có những sửa đổi, bổ sung sau đây:

(1) Quy định gọn hơn, cụ thể hơn (không chia làm 2 khoản với 2 loại cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra – Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân).

(2) Bổ sung nội dung “cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà nhận được tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan mình thì tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh và điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này” để khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đấu tranh, phòng, chống tội phạm, đáp ứng yêu cầu “nhanh chóng, kịp thời” trong điều tra, khám phá tội phạm.

– Về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự cũng có một số điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý của từng cơ quan, lực lượng, cụ thể như sau:

+ Đối với Bộ đội biên phòng (Điều 32)

Luật quy định Bộ đội biên phòng khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại Chương XIII và các điều 150, 151, 152, 153, 188, 189, 192, 193, 195, 207, 227, 235, 236, 242, 247, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 255, 256, 303, 304, 305, 306, 309, 330, 337, 338, 346, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật hình sự xảy ra trong khu vực biên giới trên đất liền, bờ biển, hải đảo và các vùng biển do Bộ đội biên phòng quản lý thì Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Đồn trưởng Đồn biên phòng có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

(1) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

(2) Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến việc giải quyết, lấy lời khai, trưng cầu giám định khi cần thiết và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

(3) Áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, áp giải, dẫn giải).

Điểm mới đáng chú ý là Luật đã phân định lại quyền hạn điều tra đối với các tội danh quy định trong Bộ luật hình sự theo các chức danh của Bộ đội biên phòng, cụ thể như sau:

* Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng chỉ có quyền hạn điều tra đối với tội phạm quy định tại Chương XIII của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, bao gồm các tội: Tội phản bội Tổ quốc (Điều 108); Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Tội gián điệp (Điều 110); Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (Điều 111); Tội bạo loạn (Điều 112); Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113); Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội (Điều 115); Tội phá hoại chính sách đoàn kết (Điều 116); Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 117); Tội phá rối an ninh (Điều 118); Tội chống phá cơ sở giam giữ (Điều 119); Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 120); Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 121). Còn đối với các tội phạm khác mà Pháp lệnh năm 2004 đã giao thẩm quyền điều tra cho Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng (như tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi, tội đánh tráo người dưới 01 tuổi, tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, tội buôn lậu, tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên v.v…), Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự đã chuyển thẩm quyền điều tra cho các chức danh khác (Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Đồn trưởng Đồn biên phòng).

* Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm có quyền hạn điều tra đối với tội phạm quy định tại các điều 150 (tội mua bán người), 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi), 152 (tội đánh tráo người dưới 01 tuổi), 153 (tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi), 188 (tội buôn lậu), 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới), 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả), 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm), 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn  dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi), 207 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả), 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên), 235 (tội gây ô nhiễm môi trường), 236 (tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại), 242 (tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản), 247 (tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy), 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy), 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy), 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy), 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy), 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy), 253 (tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy), 254 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy), 255 (tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy), 256 (tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy), 303 (tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia), 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự), 305 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ), 306 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự), 309 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân), 330 (tội chống người thi hành công vụ), 337 (tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước), 338 (tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước), 346 (tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới), 347 (tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép), 348 (tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép), 349 (tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép), 350 (tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép) của Bộ luật hình sự. Như vậy, so với Pháp lệnh năm 2004, quyền hạn điều tra của Cục trưởng Cục phòng, chống tội phạm ma túy và tội phạm đã được mở rộng hơn (28 tội danh) trong khi Pháp lệnh năm 2004 chỉ có 5 tội danh (Tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý; Tội sản xuất trái phép chất ma túy; Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy; Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy; Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy).

* Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Đồn trưởng Đồn biên phòng đóng ở vùng sâu, vùng xa (những Đồn này do Chính phủ quy định) có quyền hạn điều tra đối với tất cả các tội phạm thuộc thẩm quyền của Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm (bao gồm Chương XIII và các điều 150, 151, 152, 153, 188, 189, 193, 207, 227, 242, 247, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 309, 337, 338, 346, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật hình sự).

Đối với Hải quan (Điều 33) 

Về cơ bản, Luật tiếp tục kế thừa các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của Hải quan trong Pháp lệnh năm 2004, giao Cơ quan Hải quan khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại các điều 188 (tội buôn lậu), 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới) và 190 (tội sản xuất buôn bán hàng cấm) của Bộ luật hình sự thì được tiến hành một số hoạt động điều tra. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong 10 năm qua, Luật đã tăng thời hạn điều tra đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng từ 20 ngày lên 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án; quy định cụ thể hơn nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng (bao gồm Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu) và cấp phó (bao gồm Phó Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu) khi được phân công điều tra vụ án hình sự, cụ thể như sau:

(1) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, khám người, khám nơi cất giữ hàng hóa trong khu vực kiểm soát của Hải quan, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

(2) Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, khám người, khám nơi cất giữ hàng hóa trong khu vực kiểm soát của Hải quan, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động điều tra, quyết định phân công hoặc thay đổi cấp phó trong việc điều tra vụ án hình sự, kiểm tra các hoạt động điều tra, quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.  Khi Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu vắng mặt thì một cấp phó được uỷ nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng quy định tại khoản này và phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.

Khi được phân công điều tra vụ án hình sự, Phó Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu có quyền áp dụng các biện pháp điều tra quy định tại các điểm (1), (2) nêu trên.

Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình.

– Đối với Kiểm lâm (Điều 34)

Luật tiếp tục kế thừa các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Pháp lệnh năm 2004, giao Cơ quan Kiểm lâm khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại các điều 232 (tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản), 243 (tội huỷ hoại rừng), 244 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm), 245 (tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên), 313 (tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy), 345 (tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng) của Bộ luật hình sự thì được tiến hành một số hoạt động điều tra. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong 10 năm qua, Luật đã tăng thời hạn điều tra đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng từ 20 ngày lên 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án; quy định cụ thể hơn nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng (bao gồm Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm) và cấp phó (bao gồm Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm) khi được phân công điều tra vụ án hình sự, cụ thể là: 

(1) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

(2) Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động điều tra, quyết định phân công hoặc thay đổi cấp phó trong việc điều tra vụ án hình sự, kiểm tra các hoạt động điều tra, quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Khi Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm vắng mặt thì một cấp phó được uỷ nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng quy định tại khoản này và phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.

Khi được phân công điều tra vụ án hình sự, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm có quyền áp dụng các biện pháp điều tra quy định tại các điểm (1), (2) nêu trên.

Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình.

– Đối với lực lượng Cảnh sát biển (Điều 35)

Luật tiếp tục kế thừa các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Pháp lệnh năm 2004, giao các đơn vị thuộc lực lượng Cảnh sát biển khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại Chương XIII của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm an ninh quốc gia (tội phản bội Tổ quốc, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội gián điệp, tội xâm phạm an ninh lãnh thổ, tội bạo loạn, tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội, tội phá hoại chính sách đoàn kết, tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tội phá rối an ninh, tội chống phá cơ sở giam giữ, tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân và các điều: 188 (tội buôn lậu), 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới), 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên), 235 (tội gây ô nhiễm môi trường), 236 (tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại), 237 (tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường), 242 (tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản), 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy), 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy), 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy), 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy), 253 (tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy), 254 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy), 272 (tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ), 273 (tội cản trở giao thông đường thuỷ), 282 (tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ), 284 (tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 303 (tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia), 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự), 305 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ), 309 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân), 311 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc), 346 (tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới), 347 (tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép), 348 (tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép) của Bộ luật hình sự xảy ra trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do lực lượng Cảnh sát biển quản lý thì được tiến hành một số hoạt động điều tra. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong 10 năm qua, Luật đã tăng thời hạn điều tra đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng từ 20 ngày lên 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án; quy định cụ thể hơn nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng (bao gồm Tư lệnh Cảnh sát biển, Tư lệnh vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy, Hải đoàn trưởng, Hải đội trưởng và Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển) và cấp phó (Phó Tư lệnh Cảnh sát biển, Phó Tư lệnh vùng Cảnh sát biển, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Phó Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy, Phó Hải đoàn trưởng, Phó Hải đội trưởng và Phó Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển) khi được phân công điều tra vụ án hình sự, cụ thể như sau:

(1) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

(2) Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến việc giải quyết, lấy lời khai, trưng cầu giám định khi cần thiết và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

(3) Riêng đối với việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế phải thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, theo đó chỉ có Tư lệnh vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy mới có quyền giữ người trong trường hợp khẩn cấp; tạm giữ; áp giải, dẫn giải, còn các chức danh khác (Tư lệnh Cảnh sát biển, Hải đoàn trưởng, Hải đội trưởng và Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển) không có quyền này.

Như vậy, về thực chất chỉ có Tư lệnh vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy mới có đủ các quyền hạn điều tra quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 35 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Đối với Tư lệnh Cảnh sát biển, Hải đoàn trưởng, Hải đội trưởng và Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển chỉ giới hạn trong phạm vi quy định của các điểm a, b khoản 1 Điều 35 của Luật.

Về tổ chức, chỉ đạo các hoạt động điều tra, Tư lệnh Cảnh sát biển, Tư lệnh vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy, Hải đoàn trưởng, Hải đội trưởng và Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển trực tiếp tổ chức, chỉ đạo các hoạt động điều tra theo thẩm quyền, quyết định phân công hoặc thay đổi cấp phó trong việc điều tra vụ án hình sự, kiểm tra các hoạt động điều tra, quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Khi Tư lệnh Cảnh sát biển, Tư lệnh vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy, Hải đoàn trưởng, Hải đội trưởng và Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển vắng mặt thì một cấp phó được uỷ nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng và phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao. Khi được phân công điều tra vụ án hình sự, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển, Phó Tư lệnh vùng Cảnh sát biển, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Phó Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy, Hải đoàn trưởng, Hải đội trưởng và Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển có quyền áp dụng các biện pháp điều tra quy định cho cấp trưởng của mình.

Tư lệnh, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển; Tư lệnh vùng, Phó Tư lệnh vùng Cảnh sát biển; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật; Đoàn trưởng, Phó Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy; Hải đoàn trưởng, Phó Hải đoàn trưởng; Hải đội trưởng, Phó Hải đội trưởng; Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình.

– Đối với Kiểm ngư (Điều 36)

So với Pháp lệnh năm 2004 thì quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm ngư trong Luật có nhiều quy định mới, cụ thể như sau:

+ Cơ quan Kiểm ngư khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại các điều: 111 (tội xâm phạm an ninh lãnh thổ, 242 (tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản), 244 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm), 245 (tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại), 305 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, 311 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc) của Bộ luật hình sự xảy ra trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Kiểm ngư quản lý thì Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

(1) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

(2) Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

(3) Riêng đối với việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế phải thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, cụ thể: chỉ có Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng mới có quyền giữ người trong trường hợp khẩn cấp; tạm giữ; áp giải, dẫn giải, còn Cục trưởng Cục kiểm ngư không có quyền này.

Như vậy, về thực chất chỉ có Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng mới có đủ các quyền hạn điều tra quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 36 của Luật; còn đối với Cục trưởng Cục kiểm ngư chỉ giới hạn trong phạm vi quy định tại các điểm a, b khoản 1 Điều 35 của Luật.

+ Về tổ chức, chỉ đạo các hoạt động điều tra, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động điều tra, quyết định phân công hoặc thay đổi cấp phó trong việc điều tra vụ án hình sự, kiểm tra các hoạt động điều tra, quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Khi Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng vắng mặt thì một cấp phó được uỷ nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng quy định tại khoản này và phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.

+ Khi được phân công điều tra vụ án hình sự, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng có quyền áp dụng các biện pháp điều tra theo thẩm quyền của cấp trưởng của mình.

+ Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình.

– Về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan khác của Công an nhân dân 

Nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của các cơ quan thuộc lực lượng An ninh trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được Luật quy định tại Điều 37 với các nội dung cụ thể sau:

Trong khi làm nhiệm vụ của mình mà phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân thì Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Cục trưởng các cục nghiệp vụ an ninh ở Bộ Công an; Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh; Trưởng các phòng nghiệp vụ an ninh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan An ninh điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án. Đội An ninh ở Công an cấp huyện trong khi làm nhiệm vụ của mình mà phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh thì tiến hành ngay việc truy bắt người có hành vi phạm tội chạy trốn, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án và báo ngay cho Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh.

Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Cục trưởng các cục nghiệp vụ an ninh ở Bộ Công an; Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh; Trưởng các phòng nghiệp vụ an ninh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động điều tra, quyết định phân công hoặc thay đổi cấp phó trong việc điều tra vụ án hình sự, kiểm tra các hoạt động điều tra, quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Khi Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Cục trưởng các cục nghiệp vụ an ninh ở Bộ Công an; Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh; Trưởng các phòng nghiệp vụ an ninh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vắng mặt thì một cấp phó được ủy nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng quy định tại khoản này và phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.

Khi được phân công điều tra vụ án hình sự, Phó Cục trưởng, Phó Trưởng phòng có quyền áp dụng các biện pháp điều tra quy định cho cấp trưởng của mình. Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình.

+  Nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của các cơ quan thuộc lực lượng Cảnh sát trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra  (Điều 38):

* Trong khi thi hành nhiệm vụ mà phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra thì Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Giám thị trại giam quyết định khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án. Đối với trường hợp người phạm tội trốn khỏi nơi giam, Giám thị trại giam ra quyết định truy nã và tổ chức lực lượng truy bắt người bỏ trốn.

* Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Giám thị trại giam trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động điều tra, quyết định phân công hoặc thay đổi cấp phó trong việc điều tra vụ án hình sự, kiểm tra các hoạt động điều tra, quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Khi Cục trưởng, Giám đốc, Trưởng phòng, Giám thị vắng mặt thì một cấp phó được ủy nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng quy định tại khoản này và phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.

* Khi được phân công điều tra vụ án hình sự, Phó Cục trưởng, Phó Giám đốc, Phó Trưởng phòng, Phó Giám thị có quyền áp dụng các biện pháp điều tra quy định cho cấp trưởng của mình.

* Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Giám thị, Phó Giám thị Trại giam phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình.

– Nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 39)

So với Pháp lệnh năm 2004, Luật tiếp tục kế thừa các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Giám thị trại giam trong khi làm nhiệm vụ của mình mà phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra hình sự đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án. Khi Giám thị trại giam vắng mặt thì một cấp phó được ủy nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng quy định tại khoản này và phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao), chỉ có 02 điểm mới: (1) Bổ sung thẩm quyền ra quyết định truy nã và tổ chức lực lượng truy bắt phạm nhân trốn khỏi nơi giam cho Giám thị trại giam; (2) Quy định cụ thể thời hạn chuyển hồ sơ vụ án do Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương tiến hành một số hoạt động điều tra cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án (trước đây quy định phải chuyển ngay).

2.11. Về quan hệ phân công và phối hợp trong hoạt động điều tra hình sự

– Quan hệ giữa cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 40)

So với Pháp lệnh năm 2004, các quy định về quan hệ giữa các cơ quan điều tra, giữa Cơ quan điều tra với cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự cơ bản vẫn giữ nguyên như Pháp lệnh năm 2004, chỉ có 02 điểm mới: (1) Khẳng định trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra của cơ quan điều tra đối với cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; (2) Khẳng định việc tiếp nhận hồ sơ vụ án do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chuyển giao theo thẩm quyền và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã chuyển giao hồ sơ vụ án là trách nhiệm của cơ quan điều tra.

– Quan hệ giữa đơn vị điều tra và đơn vị trinh sát (Điều 42)

Đây là quy định mới so với Pháp lệnh năm 2004 nhằm giải quyết vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, bảo đảm yêu cầu phối, kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị điều tra với đơn vị trinh sát trong phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý và phòng ngừa tội phạm. Theo quy định của Luật, quan hệ giữa đơn vị điều tra và đơn vị trinh sát là quan hệ phối hợp, hỗ trợ. Đơn vị trinh sát có trách nhiệm: (1) Áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để phát hiện hành vi vi phạm pháp luật và cung cấp thông tin cho đơn vị điều tra để điều tra, xử lý; (2) Áp dụng biện pháp nghiệp vụ để hỗ trợ đơn vị điều tra tiến hành hoạt động điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ, ngăn chặn tội phạm và truy bắt người phạm tội; áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; (3) Phát hiện sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý kinh tế để kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan có biện pháp khắc phục; (4) Áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để hạn chế, loại trừ nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật. Đơn vị điều tra có trách nhiệm: (1) Cung cấp thông tin về tội phạm và người phạm tội cho đơn vị trinh sát để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 Điều này; (2) Phối hợp với đơn vị trinh sát đánh giá, xác định những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý kinh tế để kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan có biện pháp khắc phục; (3) đánh giá nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm, phương thức, thủ đoạn phạm tội trong các vụ án hình sự để trao đổi, phối hợp với đơn vị trinh sát thực hiện công tác phòng ngừa, phát hiện tội phạm.

– Về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan Công an, Quân đội các cấp đối với hoạt động điều tra hình sự (Điều 43)

Đây cũng là quy định mới so với Pháp lệnh năm 2004 nhằm bảo đảm yêu cầu, đòi hỏi của công tác điều tra, xử lý tội phạm với các nội dung cụ thể sau:

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thủ trưởng cơ quan Công an, Quân đội các cấp có liên quan đến tổ chức, hoạt động điều tra hình sự có 06 nhóm trách nhiệm sau: (1) Thực hiện đúng quy định của pháp luật để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên và các chức danh khác trong hoạt động điều tra hình sự; (2) Bảo đảm các điều kiện cần thiết về nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, kinh phí và điều kiện cần thiết khác cho hoạt động điều tra hình sự; (3) Chỉ đạo, tổ chức các lực lượng phối hợp, hỗ trợ cho hoạt động điều tra hình sự; (4) Tiến hành các hoạt động, biện pháp theo quy định của Luật Công an nhân dân, Luật An ninh quốc gia và pháp luật khác có liên quan để thu thập thông tin, tài liệu cần thiết hỗ trợ cho hoạt động điều tra hình sự; (5) Tổ chức lực lượng hỗ trợ các cơ quan tiến hành tố tụng trong áp dụng các biện pháp ngăn chặn, thu thập chứng cứ và bảo vệ các hoạt động tố tụng hình sự; (6) Tiến hành các biện pháp theo quy định của pháp luật để ngăn ngừa các hành vi cản trở, làm sai lệch kết quả điều tra, xử lý vụ án hình sự.

– Về trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an (Điều 44)

Trong quá trình xây dựng dự án Luật có hai loại ý kiến: Loại thứ nhất cho rằng không nên quy định trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an vào trong Luật này. Bởi vì trên thực tế, Công an xã là lực lượng bán chuyên trách, trình độ của Công an xã vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra. Việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho Công an xã sẽ vượt quá khả năng của Công an xã, dễ dẫn đến việc làm sai lệch trong điều tra vụ án hình sự, gây khó khăn cho cơ quan điều tra chuyên trách hoặc làm bỏ lọt tội phạm. Loại ý kiến thứ hai nhất trí tán thành với việc đưa trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an vào trong Luật này, bởi lẽ trên thực tế rất nhiều trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an là cơ quan trực tiếp và đầu tiên tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Việc giao các cơ này tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển cho cơ quan điều tra chuyên trách, phối hợp với cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra hình sự là phù hợp, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Qua thảo luận, Quốc hội nhất trí đề xuất của Chính phủ không quy định Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và có thẩm quyền tố tụng mà chỉ quy định trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an hỗ trợ hoạt động điều tra với các nội dung cụ thể sau đây:

+ Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

+ Công an phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

+ Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt lên cơ quan Công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

2.12. Về Điều tra viên và cán bộ điều tra

– Về Điều tra viên

+ So với Pháp lệnh năm 2004, quy định về Điều tra viên trong Luật không có nhiều thay đổi. Theo đó, Điều tra viên là người được bổ nhiệm để làm nhiệm vụ điều tra hình sự. Về ngạch, bậc Điều tra viên, Luật vẫn giữ 3 ngạch, bậc như hiện hành (Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp).

+ Về tiêu chuẩn của Điều tra viên, Luật tiếp tục thể hiện rõ yêu cầu chính quy hóa đội ngũ Điều tra viên như quy định trong Pháp lệnh năm 2004. Ngoài yêu cầu phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thời gian làm công tác pháp luật, sức khỏe như quy định trong Pháp lệnh năm 2004, Luật đã bổ sung nội dung có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

+ Về tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp, qua thảo luận Quốc hội nhận thấy, hoạt động điều tra có vai trò rất quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của một vụ án hình sự, vì vậy, Điều tra viên là một nghề đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao. Hơn nữa, Điều tra viên là một chức danh tư pháp nên tiêu chuẩn Điều tra viên cũng phải phù hợp với tiêu chuẩn của các chức danh tư pháp khác (Thẩm phán, Kiểm sát viên). Do đó, để nâng cao hơn nữa chất lượng Điều tra viên và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cùng với việc giữ nguyên các tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp được quy định trong Pháp lệnh năm 2004, Luật đã bổ sung tiêu chuẩn đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp.

+ Về nhiệm kỳ của Điều tra viên, Pháp lệnh năm 2004 chỉ quy định chung là năm năm kể từ ngày được bổ nhiệm, nay Luật chia ra làm 2 loại: Điều tra viên được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm.

+ Về hạn tuổi phục vụ của Điều tra viên, theo quy định tại Điều 58 thì hạn tuổi phục vụ cao nhất của Điều tra viên là sĩ quan trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân thực hiện theo quy định của Luật Công an nhân dân, Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Tuổi nghỉ hưu của Điều tra viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động. Trường hợp Cơ quan điều tra của Công an nhân dân và trong Quân đội nhân dân có nhu cầu, nếu Điều tra viên có đủ phẩm chất, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng không quá 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ, trừ nữ sĩ quan cấp tướng.

+ Về Hội đồng thi tuyển Điều tra viên cao cấp, Điều tra viên trung cấp và Điều tra viên sơ cấp, Luật đã quy định cụ thể cho từng lực lượng: Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Trong Công an nhân dân, Hội đồng thi tuyển Điều tra viên cao cấp trong Công an nhân dân và Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên sơ cấp ở các Cơ quan điều tra Bộ Công an gồm có Chủ tịch là Thứ trưởng Bộ Công an do Bộ trưởng Bộ Công an chỉ định; các ủy viên là đại diện lãnh đạo Tổng cục Chính trị Công an nhân dân, đại diện lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra, Cục Tổ chức Cán bộ và Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an; Hội đồng thi tuyển Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên sơ cấp ở Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện gồm có Chủ tịch là Giám đốc Công an cấp tỉnh; các ủy viên là đại diện lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra, Phòng Tổ chức Cán bộ và Phòng Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp hoặc Phòng Tham mưu Công an cấp tỉnh.

Trong Quân đội nhân dân, Hội đồng thi tuyển Điều tra viên gồm có Chủ tịch là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ định; các ủy viên là đại diện lãnh đạo Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đại diện lãnh đạo Cơ quan điều tra hình sự, Cơ quan An ninh điều tra, Cục Cán bộ và Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng.

Ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng thi tuyển Điều tra viên gồm có Chủ tịch là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ định; các ủy viên là đại diện Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Cơ quan điều tra và Vụ Tổ chức Cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

– Về cán bộ điều tra 

Để được bổ nhiệm Điều tra viên phải có thời gian làm công tác pháp luật nhất định (04 năm) và các tiêu chuẩn bắt buộc khác; vì vậy, cần bố trí cán bộ giúp việc cho Điều tra viên ở Cơ quan điều tra để họ có quá trình tiếp xúc, thực hiện các yêu cầu công việc trong quá trình điều tra để học việc nhằm tạo nguồn Điều tra viên và thực tế đã cho thấy, cán bộ giúp việc cho Điều tra viên đã thực hiện được nhiều công việc theo năng lực và kiến thức, giúp Điều tra viên thực hiện một số hoạt động điều tra hình sự, góp phần giải quyết các vụ án được nhanh chóng, thuận lợi. Tuy nhiên, do Pháp lệnh năm 2004 chưa quy định về chủ thể này, nên kết quả hoạt động của họ không được công nhận gây lãng phí nguồn nhân lực. Do đó, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự đã bổ sung quy định về cán bộ điều tra với các nội dung cụ thể sau:

+ Về tiêu chuẩn phải là người có đủ 04 tiêu chuẩn sau:

* Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

* Có trình độ đại học An ninh, đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên.

* Có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định.

* Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

+ Về nhiệm vụ, quyền hạn, cán bộ điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự (ghi biên bản lấy lời khai, ghi biên bản hỏi cung và các biên bản khác khi tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin về dấu hiệu tội phạm và điều tra vụ án hình sự; sao gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự….) và chịu trách nhiệm trước Điều tra viên, Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

+ Về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp, thu hồi Giấy chứng nhận Cán bộ điều tra thuộc Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an quy định, thuộc Quân đội nhân dân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định, ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, sớm phát huy hiệu quả, cần thực hiện tốt Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tổ chức cơ quan Điều tra hình sự (được ban hành kèm theo Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 09/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ ) với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Tuyên truyền, phổ biến Luật

–  Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về Luật và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao trách nhiệm, thống nhất nhận thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, cán bộ trực tiếp làm công tác Điều tra hình sự, cán bộ làm công tác giảng dạy, nghiên cứu pháp luật và cho nhân dân.

– Biên soạn, in, cấp phát tài liệu, tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật cho lực lượng trực tiếp làm công tác Điều tra hình sự.

2. Rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức cơ quan Điều tra hình sự

3. Kiện toàn hệ thống Cơ quan Điều tra các cấp

4. Xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức cơ quan Điều tra hình sự

– Nghị định của Chính phủ quy định về đồn Biên phòng ở vùng sâu, vùng xa (thời gian trình: Tháng 4 năm 2016);

– Nghị định của Chính phủ quy định chế độ báo cáo về Điều tra hình sự (thời gian trình: Tháng 4 năm 2016);

– Thông tư quy định về công tác Điều tra hình sự trong Công an nhân dân (Thời gian hoàn thành: Tháng 6 năm 2016);

– Thông tư ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng thi tuyển Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp thuộc Công an nhân dân (Thời gian hoàn thành: Tháng 6 năm 2016);

– Thông tư quy định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp, thu hồi Giấy chứng nhận Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra, Điều tra viên, Cán bộ Điều tra thuộc Công an nhân dân (Thời gian hoàn thành: Tháng 6 năm 2016);

– Thông tư quy định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp, thu hồi Giấy chứng nhận Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra, Điều tra viên, Cán bộ Điều tra thuộc Quân đội nhân dân (Thời gian hoàn thành: Tháng 6 năm 2016);

– Thông tư ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng thi tuyển Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp thuộc Quân đội nhân dân (Thời gian hoàn thành: Tháng 6 năm 2016);

– Thông tư quy định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp, thu hồi Giấy chứng nhận Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra, Điều tra viên, Cán bộ Điều tra thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Thời gian hoàn thành: Tháng 5 năm 2016);

– Thông tư ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng thi tuyển Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Thời gian hoàn thành: Tháng 5 năm 2016);

– Thông tư quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về Điều tra hình sự (Thời gian hoàn thành: Tháng 5 năm 2016).

>>>>>> Bài viết đáng quan tâm khác: Dịch vụ tư vấn thường xuyên được cung cấp bởi Vinalaw

——————–
𝑪𝒐̂𝒏𝒈 𝒕𝒚 𝑳𝒖𝒂̣̂𝒕 𝒉𝒐̛̣𝒑 𝒅𝒂𝒏𝒉 𝑽𝒊𝒆̣̂𝒕 𝑵𝒂𝒎 (𝑽𝒊𝒏𝒂𝒍𝒂𝒘 𝑭𝒊𝒓𝒎)

Với slogan: “Là điểm tựa của niềm tin”

??Phương châm làm việc: “Đừng bận tâm vì các vấn đề pháp lý của Quý khách hàng chính là công việc của chúng tôi”.
??Vinalaw luôn hoạt động với tôn chỉ đề cao pháp luật, uy tín, trung thực, bảo đảm lợi ích cao nhất của khách hàng trước pháp luật.
———————–
? Call: 028.629.119.20 (Liên hệ tư vấn miễn phí)
———————–
? Số 17 Trần Khánh Dư, Phường Tân Định, Quận 1, Hồ Chí Minh.
? 𝑭𝒂𝒄𝒆𝒃𝒐𝒐𝒌: fb.com/Vinalaw.vn
? 𝑾𝒆𝒃𝒔𝒊𝒕𝒆: www.vinalaw.vn
? 𝑬𝒎𝒂𝒊𝒍: info@vinalaw.vn