ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU PHÁP LỆNH CÔNG AN XÃ > CÔNG TY LUẬT HỢP DANH VIỆT NAM

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU PHÁP LỆNH CÔNG AN XÃ

                    BỘ TƯ PHÁP

   VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

___________________________________________

                    BỘ CÔNG AN

                    VỤ PHÁP CHẾ

 

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU

PHÁP LỆNH CÔNG AN XÃ

Pháp lệnh Công an xã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 21/11/2008, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009. Việc ban hành Pháp lệnh Công an xã là một bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho tổ chức và hoạt động của Công an xã, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia xây dựng lực lượng Công an xã, giám sát hoạt động của Công an xã và cộng tác, phối hợp với Công an xã trong bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH PHÁP LỆNH CÔNG AN Xà

Bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, trong đó, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại khu vực nông thôn – địa bàn chiến lược chiếm gần 80% diện tích và gần 80% dân số cả nước luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ nêu trên, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng chăm lo, xây dựng và phát triển Công an xã để lực lượng này làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 22 tháng 11 năm 1945 Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ban hành Sắc lệnh số 63/SL “Về tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân” trong đó quy định: “Công việc trị an ở cấp xã do một Uỷ viên trong Uỷ ban kháng chiến kiêm hành chính xã phụ trách”; ngày 10 tháng 10 năm 1950 Bộ Nội vụ ban hành Nghị định số 438 NV/NĐ, trong đó quy định: “Thành lập tại mỗi xã trong toàn quốc một Ban Công an xã” để giữ gìn an ninh, trật tự trong xã”. Trong mỗi giai đoạn cách mạng tiếp theo, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ (sau này là Bộ Công an) đã ban hành nhiều văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, hoạt động của Công an xã. Đến năm 1999, trước yêu cầu mới của nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/1999/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 1999 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, hoạt động của Công an xã (Nghị định số 40/1999/NĐ-CP). Nghị định này là cơ sở pháp lý để xây dựng, củng cố tổ chức và hoạt động của Công an xã, góp phần thiết thực vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở. Tuy nhiên, do hiện nay tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước có nhiều thay đổi nên các quy định của Nghị định số 40/1999/NĐ-CP không còn phù hợp, nhất là các quy định về tổ chức, hoạt động, về tiền lương, phụ cấp và chế độ đãi ngộ đối với Công an xã đã quá bất cập, nên nhiều cán bộ Công an xã đã xin thôi việc (theo báo cáo của Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đến nay trong cả nước đã có tới 2.663 Phó trưởng Công an xã và Công an viên xin thôi việc).

Bên cạnh đó, tình hình tội phạm và các vi phạm pháp luật khác ở địa bàn nông thôn đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp; việc khiếu kiện đông người và các tranh chấp phát sinh chậm được giải quyết gây phức tạp đến an ninh, trật tự và đặc biệt là, các thế lực thù địch vẫn chưa từ bỏ âm mưu chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta, chúng tìm mọi cách để kích động bạo loạn, gây rối, làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở…thì việc xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Công an xã là rất cần thiết hiện nay.

Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, cần phải khẩn trương ban hành Pháp lệnh Công an xã để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức, hoạt động của lực lượng Công an xã, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn trong tình hình mới. Thực hiện Nghị quyết số 11/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007 của Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 2 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII (2007 – 2011) và năm 2008 và sự phân công của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Dự án Pháp lệnh Công an xã, sau khi trao đổi thống nhất với các bộ, ngành liên quan, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 171/QĐ-BCA ngày 18/2/2008 thành lập Ban soạn thảo Dự án Pháp lệnh Công an xã gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan (Văn phòng Chính phủ, các bộ: Tư pháp, Tài chính, Nội vụ, Lao động – Thương binh và Xã hội) và thành lập Tổ biên tập gồm cán bộ, chuyên gia của các bộ, ngành liên quan để tiến hành xây dựng Dự án Pháp lệnh Công an xã. Đồng thời, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong cả nước tiến hành tổng kết 9 năm thi hành Nghị định số 40/1999/NĐ-CP của Chính phủ về Công an xã, tiến hành khảo sát thực tế và tổ chức hội thảo khoa học, lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, Công an các đơn vị, địa phương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Sau một thời gian tiến hành hết sức khẩn trương, với sự cộng tác, giúp đỡ tích cực của các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội, Dự án Pháp lệnh Công an xã đã được xây dựng hoàn chỉnh và tại phiên họp thứ 14 ngày 21/11/2008, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh này.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG PHÁP LỆNH CÔNG AN Xà

Pháp lệnh Công an xã được xây dựng trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo sau đây:

1. Thể chế hoá chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về Công an xã trong chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong giai đoạn cách mạng hiện nay và những năm tiếp theo; quán triệt chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách hành chính, tăng cường phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho cơ sở nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật ngay từ địa bàn cơ sở, góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng và củng cố lực lượng Công an xã trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn cơ sở.

2. Kế thừa những quy định phát huy tác dụng tốt của Nghị định số 40/1999/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài về tổ chức lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của Công an xã và chế độ, chính sách đối với Công an xã cụ thể hơn, sát với thực tế hơn, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ và các cơ quan chức năng quy định cụ thể và hướng dẫn chi tiết thi hành.

3. Nội dung Pháp lệnh phải phù hợp và phục vụ yêu cầu thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng Công an xã trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm các điều kiện hoạt động và chế độ, chính sách thoả đáng cho lực lượng Công an xã; xác định rõ hơn trách nhiệm của các ngành, các cấp trong xây dựng lực lượng Công an xã, góp phần bảo đảm an ninh nông thôn, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

III. BỐ CỤC CỦA PHÁP LỆNH CÔNG AN Xà 

Pháp lệnh Công an xã bao gồm 5 Chương, 25 điều, cụ thể như sau:

Chương I. Quy định chung,gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8), quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Pháp lệnh; về vị trí, chức năng của Công an xã, nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Công an xã; xây dựng lực lượng Công an xã; giám sát hoạt động của lực lượng Công an xã; quan hệ phối hợp giữa Công an xã với các cơ quan, tổ chức trong bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở và các hành vi bị nghiêm cấm.

Chương II. Nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Công an xã,gồm 5 điều (từ Điều 9 đến Điều 13), quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã và tổ chức Công an xã.

Chương III. Bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Công an xã, gồm 6 điều (từ Điều 14 đến Điều 19), quy định về bảo đảm điều kiện cho hoạt động của Công an xã, nơi làm việc, trang bị, trang phục, phù hiệu, giấy chứng nhận; đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng Công an xã; về tiền lương, phụ cấp và các chế độ, chính sách khác đối với Công an xã.

Chương IV. Trách nhiệm quản lý nhà nước về Công an xã, gồm 4 điều (từ Điều 20 đến Điều 23), quy định về trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Công an,  các bộ, cơ quan ngang bộ và Uỷ ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về Công an xã.

Chương V. Điều khoản thi hành, gồm 2 điều (Điều 24 và Điều 25), quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm hướng dẫn thi hành Pháp lệnh.

IV. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA PHÁP LỆNH CÔNG AN Xà

1. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Pháp lệnh:  

1.1. Phạm vi điều chỉnh:Điều 1 Pháp lệnh Công an xã quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của Công an xã; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và chế độ, chính sách đối với Công an xã. Đồng thời, theo quy định tại Điều 24 Pháp lệnh thì các quy định của Pháp lệnh này cũng được áp dụng đối với Công an thị trấn ở những nơi chưa bố trí tổ chức Công an chính quy.

1.2. Về đối tượng áp dụng:

Điều 2 Pháp lệnh này qui định áp dụng đối với Công an xã và cơ quan, tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, cũng tương tự như đối với phạm vi điều chỉnh, theo quy định tại Điều 24 Pháp lệnh thì đối tượng áp dụng của Pháp lệnh này còn bao gồm cả Công an thị trấn ở những nơi chưa bố trí tổ chức Công an chính quy.

 2. Về vị trí, chức năng của Công an xã, Điều 3 Pháp lệnh quy định:

a. Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã.

b. Công an xã có chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân cùng cấp về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn xã; thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, các biện pháp phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn xã theo quy định của pháp luật.

3. Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công an xã  

Do vị trí, chức năng quan trọng của Công an xã trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở như đã nêu trên, nên Điều 4 Pháp lệnh đã quy định tổ chức và hoạt động của Công an xã phải tuân theo nguyên tắc như sau:

– Công an xã chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân cùng cấp và sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Công an cấp trên. Có thể nói, đó là mối quan hệ song trùng trực thuộc, Công an xã không chỉ chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân cùng cấp mà còn phải chấp hành sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ và các vấn đề khác có liên quan đến tổ chức hoạt động của Công an xã thuộc thẩm quyền của cơ quan Công an cấp trên, nhằm bảo đảm sự chỉ đạo, chỉ huy thống nhất của toàn lực lượng Công an nói chung và Công an xã nói riêng.

– Hoạt động của Công an xã tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; dựa vào nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Đây là nguyên tắc cực kỳ quan trọng, mọi sự ra rời hoặc không chấp hành đúng nguyên tắc này đều có thể dẫn đến vi phạm pháp luật và không đem lại hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Công an xã.

4. Về xây dựng lực lượng Công an xã, Điều 5 Pháp lệnh quy định:

a. Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, sức khỏe theo quy định của Chính phủ, có nguyện vọng và năng khiếu phù hợp với công tác Công an thì được xem xét, tuyển chọn vào Công an xã.

Do điều kiện phát triển kinh tế, xã hội không đồng đều giữa các vùng miền, nên Pháp lệnh không thể quy định trực tiếp, cụ thể các điều kiện tuyển chọn vào Công an xã, mà chỉ quy định có tính nguyên tắc như trên. Căn cứ vào đó, Chính phủ sẽ có quy định cụ thể các điều kiện, tiêu chuẩn về chính trị, về độ tuổi, về trình độ học vấn…của người được tuyển chọn vào công tác trong lực lượng Công an xã cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng vùng, miền và trong từng thời điểm cụ thể.

b. Nhà nước có chính sách ưu tiên xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng ổn định lực lượng Công an xã; có chế độ đãi ngộ và bảo đảm các điều kiện hoạt động cho Công an xã. Đây cũng là nguyên tắc rất quan trọng trong công tác xây dựng lực lượng Công an xã. Căn cứ vào đó, Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ có hướng dẫn cụ thể về tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện sử dụng lực lượng Công an xã nhằm bảo đảm tính ổn định về tổ chức cũng như tính ổn định trong việc bố trí, sử dụng cán bộ tham gia lực lượng Công an xã, tránh sáo trộn tuỳ tiện, có như vậy mới bảo đảm tính chuyên sâu trong hoạt động nghiệp vụ và đem lại hiệu quả cao trong tổ chức và hoạt động của Công an xã.

c. Cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân có nghĩa vụ tham gia xây dựng lực lượng Công an xã.

5. Về giám sát hoạt động của Công an xã, Điều 6 Pháp lệnh quy định:

– Các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện pháp luật về Công an xã.

– Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an xã thực hiện nhiệm vụ; giám sát hoạt động của Công an xã; động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

6. Về quan hệ phối hợp giữa Công an xã với cơ quan, tổ chức, cá nhân và đơn vị vũ trang nhân dântrong lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Điều 7 Pháp lệnh quy định:

Công an xã chủ trì, phối hợp với Dân quân tự vệ, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân,cơ quan, tổ chức trên địa bàn xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở. Đồng thời, khoản 2 Điều 7 cũng quy định: đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã có trách nhiệm phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.

7. Về các hành vi bị nghiêm cấm,theo quy định tại Điều 8 Pháp lệnh thì có 5 nhóm hành vi bị nghiêm cấm để áp dụng cho 2 nhóm đối tượng:

a. Đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, Pháp lệnh nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây:

– Tổ chức, sử dụng lực lượng Công an xã trái với quy định của Pháp lệnh này.

– Giả danh Công an xã.

– Chống lại hoặc cản trở Công an xã thi hành công vụ.

– Sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang phục, phù hiệu của Công an xã.

b. Đối với Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên, Pháp lệnh nghiêm cấm: Lợi dụng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã để gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

Ngoài các hành vi bị nghiêm cấm nêu trên, khoản 6 Điều 7 còn quy định nghiêm cấm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến tổ chức, hoạt động của Công an xã.

8. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã

Điều 9 Pháp lệnh quy định bao gồm 14 nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã, đó là:

1) Nắm tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, đề xuất với cấp ủy Đảng, Uỷ ban nhân dân cùng cấp và cơ quan Công an cấp trên về chủ trương, kế hoạch, biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và tổ chức thực hiện chủ trương, kế hoạch, biện pháp đó;

2) Làm nòng cốt xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã theo thẩm quyền;

3) Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân xã và tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, giáo dục các đối tượng phải chấp hành hình phạt quản chế, cải tạo không giam giữ, người bị kết án tù nhưng được hưởng án treo cư trú trên địa bàn xã; quản lý người được đặc xá, người sau cai nghiện ma túy và người chấp hành xong hình phạt tù thuộc diện phải tiếp tục quản lý theo quy định của pháp luật;

4) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức và lực lượng khác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội theo quy định của pháp luật; bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ tính mạng, tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn xã;

5) Thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý cư trú, chứng minh nhân dân và các giấy tờ đi lại khác; quản lý vật liệu nổ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường; quản lý về an ninh, trật tự đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trên địa bàn xã theo phân cấp và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an;

6) Tiếp nhận, phân loại, xử lý theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã; kiểm tra người, đồ vật, giấy tờ tùy thân, thu giữ vũ khí, hung khí của người có hành vi vi phạm pháp luật quả tang; tổ chức cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường và báo cáo ngay cho cơ quan có thẩm quyền; lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai người bị hại, người biết vụ việc, thu giữ, bảo quản vật chứng theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an; cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng, thông tin thu thập được và tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý vụ việc;

7) Tổ chức bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn trên địa bàn xã; dẫn giải người bị bắt lên cơ quan Công an cấp trên trực tiếp;

8) Xử phạt vi phạm hành chính; lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác đối với người vi phạm pháp luật trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an;

9) Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã phối hợp hoạt động, cung cấp thông tin và thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

10) Trong trường hợp cấp thiết, để cấp cứu người bị nạn, cứu hộ, cứu nạn, đuổi bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm, được huy động người, phương tiện của tổ chức, cá nhân và phải trả lại ngay phương tiện được huy động khi tình huống chấm dứt và báo cáo ngay với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp. Trường hợp có thiệt hại về tài sản thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; người được huy động làm nhiệm vụ mà bị thương hoặc bị chết thì được giải quyết theo chính sách của Nhà nước;

11) Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và thực hiện một số biện pháp công tác công an theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an để bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã;

12) Tham gia thực hiện công tác tuyển sinh, tuyển dụng vào lực lượng vũ trang nhân dân; luyện tập, diễn tập thực hiện các phương án quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai và các sự cố nghiêm trọng khác;

13) Xây dựng lực lượng Công an xã trong sạch, vững mạnh về chính trị, tổ chức và nghiệp vụ.

14) Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở 14 nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên của Công an xã, Điều 11 Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Công an xã là chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã quy định tại Điều 9 Pháp lệnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Uỷ ban nhân dân cùng cấp và Công an cấp trên về mọi hoạt động của Công an xã; Điều 12 Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Phó trưởng Công an xã là giúp Trưởng Công an xã thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Công an xã; khi Trưởng Công an xã vắng mặt thì một Phó trưởng Công an xã được Trưởng Công an xã ủy quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Công an xã và Điều 13 Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Công an viên là thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Công an xã; chịu trách nhiệm triển khai thực hiện các chủ trương, kế hoạch, biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn dân cư do mình phụ trách và thực hiện các nhiệm vụ khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội do Trưởng Công an xã giao.

9. Về tổ chức của Công an xã, khoản 1 Điều 10 Pháp lệnh quy định:

a. Công an xã gồm các chức danh: Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên. Công an viên được bố trí tại thôn, xóm, ấp, bản, buôn, làng, phum, sóc và bố trí làm nhiệm vụ thường trực tại trụ sở hoặc nơi làm việc của Công an xã. Đồng thời, khoản 2 Điều 10 giao Chính phủ quy định khung số lượng Phó trưởng Công an xã và Công an viên. Căn cứ vào quy định khung số lượng của Chính phủ và tình hình thực tế tại địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định cụ thể số lượng Phó trưởng Công an xã và Công an viên của từng xã cho phù hợp.

b. Về thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh Công an xã, khoản 3 Điều 10 quy định:

– Trưởng Công an cấp huyện sau khi trao đổi thống nhất với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức; bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó trưởng Công an xã.

– Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã theo đề nghị của Trưởng Công an xã quyết định công nhận, miễn nhiệm Công an viên.

c. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, khoản 3 Điều 10 Pháp lệnh quy định: Trường hợp cần thiết, do yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Giám đốc Công an cấp tỉnh sau khi trao đổi thống nhất với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, quyết định điều động sỹ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm các chức danh Công an xã. Đồng thời khoản 2 Điều 21 Pháp lệnh cũng giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể và chỉ đạo thực hiện việc điều động sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm các chức danh Công an xã.

10. Về bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của Công an xã 

Điều 14 Pháp lệnh quy định: Nguồn kinh phí phục vụ hoạt động của Công an xã gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Nhà nước bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động, đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng, thực hiện chế độ, chính sách và các điều kiện cần thiết khác cho Công an xã. Đồng thời, Pháp lệnh giao Chính phủ quy định cụ thể về chi ngân sách bảo đảm cho hoạt động của Công an xã.

11. Về nơi làm việc và trang bị của Công an xã 

– Về nơi làm việc của Công an xã: để đáp ứng yêu cầu công tác của Công an xã, phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay, khoản 1 Điều 15 Pháp lệnh quy định: Công an xã có trụ sở hoặc nơi làm việc riêng phù hợp với điều kiện và yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở. Căn cứ vào quy định đó và tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương, nơi làm việc của Công an xã có thể đựơc xây dựng trụ sở riêng, độc lập với nơi làm việc của các bộ phận khác của Uỷ ban nhân dân xã hoặc có thể được bố trí tại một số phòng làm việc trong khu vực trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc là “có nơi làm việc riêng” phù hợp với yêu cầu công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.

– Về trang bị của Công an xã, khoản 2 Điều 15 Pháp lệnh quy định: Công an xã được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, hồ sơ, sổ sách và các trang thiết bị, phương tiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Pháp lệnh cũng quy định, vũ khí, công cụ hỗ trợ và các trang thiết bị của Công an xã phải được đăng ký, quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Công an.

12. Về trang phục, phù hiệu, giấy chứng nhận Công an xã  

Điều 16 Pháp lệnh quy định:Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên được trang bị, sử dụng trang phục, phù hiệu, giấy chứng nhận Công an xã theo quy định của Chính phủ.

13. Về đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng Công an xã 

Khoản 1 Điều 17 pháp lệnh quy định: Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã phải được đào tạo theo quy định của Chính phủ. Căn cứ vào quy định này, Chính phủ sẽ quy định và giao Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn cụ thể về nội dung, chương trình, thời gian…đào tạo đối với Trưởng, Phó Công an xã cho phù hợp. Đồng thời, khoản 2 Điều 17 Pháp lệnh còn quy định, hàng năm, Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên được huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức chính trị, pháp luật, nghiệp vụ theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

13. Về tiền lương và phụ cấp đối với Công an xã 

Căn cứ vào điều kiện thực tiễn và để phù hợp với quy định của Luật Cán bộ, công chức, Điều 18 Pháp lệnh quy định về tiền lương và phụ cấp đối với Công an xãnhư sau:

– Trưởng Công an xã được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của pháp luật. Ngày 13 tháng 11 năm 2008 Quốc hội thông qua Luật Cán bộ, công chức, tại Điều 61 Luật này đã quy định Trưởng Công an xã là công chức cấp xã. Do đó, mọi tiêu chuẩn, chế độ, chính sách, tiền lương, phụ cấp… đối với Trưởng Công an xã sẽ được thực hiện theo quy định chung của pháp luật về cán bộ công chức.

– Phó trưởng Công an và Công an viên được hưởng phụ cấp hàng tháng. Chính phủ quy định khung mức phụ cấp đối với Phó trưởng Công an xã và Công an viên. Căn cứ vào quy định của Chính phủ và thực tế ở địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức phụ cấp cụ thể cho Phó trưởng Công an và Công an viên.

14. Về chế độ, chính sách đối với Công an xã 

Tương tự như quá trình nghiên cứu, xây dựng các quy định về tiền lương, phụ cấp đối với Công an xã, các quy định về chế độ, chính sách đối với Công an xã cũng được thảo luận rất kỹ để quy định cho phù hợp với đặc điểm, tính chất công tác của Công an xã, góp phần động viên anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ. Căn cứ vào điều kiện thực tiễn của Nhà nước và bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật khác có liên quan, Điều 19 Pháp lệnh quy định về chế độ, chính sách đối với Công an xã như sau:

– Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên thực hiện bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

– Trưởng Công an xã có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên;có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng mà chưa đủ điều kiện nghỉ hưu thì được hưởng trợ cấp một lần.

– Phó trưởng Công an xã và Công an viêncó thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng thì được hưởng trợ cấp một lần.

– Phó trưởng Công an xã và Công an viên khi được cử đi tập trung đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, pháp luật, nghiệp vụ được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân; khi đi công tác được hưởng chế độ công tác phí.

– Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên khi làm nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu tại những nơi thuộc địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự được hưởng chế độ theo quy định.

– Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên trong khi thi hành nhiệm vụ nếu bị thương hoặc hy sinh thì được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; Phó trưởng Công an xã và Công an viên ốm đau trong thời gian công tác,được khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế và nếu chưa tham gia bảo hiểm y tế thì được xem xét hỗ trợ thanh toán tiền khám, chữa bệnh từ nguồn ngân sách địa phương. Đồng thời, Pháp lệnh giao Chính phủ quy định cụ thể để thực hiện các quy định nêu trên của Pháp lệnh.

15. Về quản lý nhà nước đối với Công an xã  

Điều 20 Pháp lệnh quy định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về Công an xã. Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về Công an xã. Tiếp đó, các Điều 21, 22 và 23 Pháp lệnh quy định trách nhiệm của Bộ Công an, của các bộ, cơ quan ngang bộ và Uỷ ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về Công an xã, cụ thể như sau:

a. Trách nhiệm của Bộ Công an (Điều 21):

– Trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về Công an xã.

– Quy định cụ thể và chỉ đạo thực hiện việc điều động sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm các chức danh Công an xã.

– Quy định chương trình, nội dung, thời gian và tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, pháp luật, nghiệp vụ cho Công an xã.

– Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đối với Công an xã; quy định số lượng, chủng loại và hướng dẫn quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và trang thiết bị cho Công an xã.

– Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Uỷ ban nhân dân các cấp về việc quản lý, xây dựng lực lượng Công an xã, bảo đảm các điều kiện hoạt động của Công an xã, thực hiện các chế độ, chính sách đối với Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên.

– Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; khen thưởng và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ, bãi bỏ những quy định về Công an xã trái với quy định của pháp luật.

b. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ (Điều 22):

Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về Công an xã theo quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

c. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp (Điều 23):

Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về Công an xã theo quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, bao gồm:

– Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Công an xã;

– Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về Công an xã;

– Thực hiện chức năng quản lý, chỉ đạo tổ chức, hoạt động của Công an xã theo thẩm quyền và theo hướng dẫn của Công an cấp trên; bố trí trụ sở hoặc nơi làm việc cho Công an xã; cấp kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Công an xã và thực hiện các chế độ, chính sách đối với Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên;

– Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; khen thưởng và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

16. Cuối cùng, Điều 25 Pháp lệnh giao Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Pháp lệnh và hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

V. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THI HÀNH PHÁP LỆNH CÔNG AN Xà

Để tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các quy định nêu trên, bảo đảm cho các quy định của Pháp lệnh thực sự đi vào cuộc sống, từ nay đến ngày có hiệu lực thi hành của Pháp lệnh là 01/7/2009, các cơ quan chức năng của Bộ Công an phải phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương tiến hành rất nhiều công việc chuẩn bị, trước hết là các công việc sau đây:

 – Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch triển khai thi hành Pháp lệnh Công an xã, cũng như các điều kiện bảo đảm cho việc triển khai thi hành Pháp lệnh.

– Xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cụ thể một số điều của Pháp lệnh Công an xã.

– Ban hành Thông tư của Bộ Công an hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định nêu trên của Chính phủ và hướng dẫn thi hành một số nội dung cụ thể do Pháp lệnh Công an xã quy định thuộc thẩm quyền hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an.

– Chuẩn bị tài liệu, tổ chức tập huấn chuyên sâu về Pháp lệnh Công an xã và các văn bản hướng dẫn thi hành cho lực lượng Công an xã, cho các đơn vị Công an có liên quan đến việc quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ cho Công an xã…bảo đảm cho các quy định của Pháp lệnh Công an xã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tốt trong việc bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.

 

>>>>>> Bài viết đáng quan tâm khác: Dịch vụ tư vấn thường xuyên được cung cấp bởi Vinalaw

——————–
𝑪𝒐̂𝒏𝒈 𝒕𝒚 𝑳𝒖𝒂̣̂𝒕 𝒉𝒐̛̣𝒑 𝒅𝒂𝒏𝒉 𝑽𝒊𝒆̣̂𝒕 𝑵𝒂𝒎 (𝑽𝒊𝒏𝒂𝒍𝒂𝒘 𝑭𝒊𝒓𝒎)

Với slogan: “Là điểm tựa của niềm tin”

??Phương châm làm việc: “Đừng bận tâm vì các vấn đề pháp lý của Quý khách hàng chính là công việc của chúng tôi”.
??Vinalaw luôn hoạt động với tôn chỉ đề cao pháp luật, uy tín, trung thực, bảo đảm lợi ích cao nhất của khách hàng trước pháp luật.
———————–
? Call: 028.629.119.20 (Liên hệ tư vấn miễn phí)
———————–
? Số 17 Trần Khánh Dư, Phường Tân Định, Quận 1, Hồ Chí Minh.
? 𝑭𝒂𝒄𝒆𝒃𝒐𝒐𝒌: fb.com/Vinalaw.vn
? 𝑾𝒆𝒃𝒔𝒊𝒕𝒆: www.vinalaw.vn
? 𝑬𝒎𝒂𝒊𝒍: info@vinalaw.vn