Đề cương giới thiệu Luật Đầu tư công > CÔNG TY LUẬT HỢP DANH VIỆT NAM

Đề cương giới thiệu Luật Đầu tư công

 

BỘ TƯ PHÁP

VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

_________________

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

VỤ TỔNG HỢP KINH TẾ QUỐC DÂN

____________

 

TÀI LIỆU GIỚI THIỆU LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG

 

Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019. Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 27/6/2019. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020.

SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG SỐ 39/2019/QH14

Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2014 tại kỳ họp thứ 7 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Việc ban hành Luật có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; chống thất thoát, lãng phí; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công.

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc chủ yếu sau:

Thứ nhất, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện: Do lần đầu tiên xây dựng, ban hành và thực hiện Luật Đầu tư công nên không tránh khỏi những hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn. Việc hình thành nhiều quy trình mới, thủ tục phức tạp, dẫn tới các cơ quan, địa phương khó nắm vững và thực hiện thống nhất các quy định của Luật, nhiều cơ quan, địa phương vẫn còn lúng túng, triển khai thực hiện một số quy định còn chưa phù hợp, một số nội dung không đúng với các quy định của pháp luật, trái thẩm quyền, mất nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục do hồ sơ dự án phải thông qua nhiều cấp nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương, thủ tục hành chính phức tạp, phân cấp trách nhiệm chưa triệt để…

Thứ hai, một số quy định trong Luật Đầu tư công quá cứng nhắc, hoặc chưa đầy đủ nên dẫn tới tình trạng các quy định đã không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, điển hình là trong công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bố trí vốn không phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí được cấp có thẩm quyền quy định, tồn tại nhiều bất cập trong điều chỉnh dự án, điều chỉnh kế hoạch, giao vốn nhiều lần và kéo dài thời gian giao vốn; khó theo dõi, đánh giá, kiểm tra kế hoạch, chương trình, dự án.

Thứ ba, tồn tại một số điểm chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư công với các luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch… Điều này đã gây sự lúng túng trong việc áp dụng các quy định pháp luật, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng công tác chuẩn bị dự án, xây dựng dự án. Trong một số trường hợp, dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án mang tính hình thức để có điều kiện được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

Nhiệm vụ, mục tiêu của Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội Khóa XIV về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã nhấn mạnh việc cơ cấu lại đầu tư công trên cơ sở “Tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 và kế hoạch vay, trả nợ công. Hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công theo thông lệ quốc tế, trong đó ưu tiên đổi mới cách thức thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư. Thực hiện cơ cấu lại đầu tư công gắn với cơ cấu lại tài chính công, cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công”.

 Từ những lý do trên, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả vốn đầu tư công và tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, tăng cường phân cấp, phân nhiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là phục vụ quá trình cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2016-2020, định hướng 2025 thì việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đầu tư công là cần thiết.

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU CHÍNH SÁCH

Việc ban hành Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 nhằm đảm bảo các mục tiêu, quan điểm chủ yếu sau:

a) Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 8/11/2016 của Quốc hội Khóa XIV, trong đó trọng tâm là cơ cấu lại đầu tư công.

b) Tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về đầu tư công theo hướng thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan khác nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động đầu tư công và nguồn vốn đầu tư công; tiếp tục khắc phục thêm một bước tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. 

c) Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến các quy định pháp luật về đầu tư công, góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công gắn với đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý hoạt động đầu tư công như: phân cấp điều chỉnh dự án, phân cấp phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư gắn với trách nhiệm của từng cấp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý sử dụng vốn nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư. 

d) Nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công gắn với tăng cường theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động đầu tư công, sử dụng nguồn vốn đầu tư công thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đầu tư công, gắn với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và tiến tới Chính phủ số, góp phần tích cực vào việc chống thất thoát, lãng phí.

đ) Gắn liền với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nói chung và cơ cấu lại đầu tư công nói riêng theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn lực hạn hẹp của nhà nước, tạo điều kiện khuyến khích sự sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân, trong và ngoài nước, thông qua các hình thức đầu tư phù hợp, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phục vụ tăng trưởng nhanh, bền vững, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

III. BỐ CỤC CỦA LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG SỐ 39/2019/QH14

Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 bao gồm 06 chương với 101 điều, trong đó:

Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 16), gồm các quy định chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, đối tượng, phân loại dự án, nguyên tắc, nội dung quản lý nhà nước, chi phí lập, thẩm định, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra kế hoạch, chương trình và các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công.

Chương II: Những quy định về chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công (từ Điều 17 đến Điều 45), gồm các quy định về thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ, nội dung và một số nội dung liên quan đến việc quyết định, điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án.

Chương III: Những quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công (từ Điều 46 đến Điều 63), gồm các quy định về phân loại, căn cứ, nguyên tắc, nội dung, điều kiện, trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

Chương IV: Thực hiện và theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra, giám sát kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công (từ Điều 64 đến Điều 77), gồm các quy định về triển khai thực hiện, theo dõi, kiểm tra, dánh giá, thanh tra, giám sát kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công.

Chương V: Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư công (từ Điều 78 đến Điều 98), gồm các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tới chương trình, dự án đầu tư công; hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công; xử lý vi phạm.

Chương VI: Điều khoản thi hành (từ Điều 99 đến Điều 101), gồm các quy định về sửa đổi quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.

NHỮNG NỘI DUNG SỬA ĐỔI CƠ BẢN CỦA LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG SỐ 39/2019/QH14

Sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ

Luật đã sửa đổi, bổ sung các khái niệm, định nghĩa và từ ngữ tạo sự thống nhất giữa Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 với các luật có liên quan, nhất là Luật Ngân sách nhà nước. Trong đó, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã thống nhất quy định khái niệm về Vốn đầu tư công để phù hợp với quy định tại Luật Ngân sách nhà nước. Cụ thể, vốn đầu tư công bao gồm: vốn ngân sách nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật. Đây là một thay đổi nhằm đảm bảo thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước, mang ý nghĩa rất quan trọng, dẫn tới thay đổi các quy trình, trình tự, thủ tục về dự án và kế hoạch đầu tư công, giúp đơn giản hóa quy trình, không còn phân biệt giữa các loại nguồn vốn của ngân sách nhà nước như trước đây (ví dụ như có sự phân biệt giữa ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, công trái quốc gia, tín dụng đầu tư…). Đồng thời, sự thay đổi này giúp xây dựng được quy trình riêng cho các dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật theo hướng tăng cường phân cấp, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan có nguồn vốn này nhưng vẫn đảm bảo được công tác theo dõi, giám sát và tổng hợp báo cáo.

Ngoài ra, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã bổ sung khái niệm nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và nhiệm vụ quy hoạch để phù hợp với Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng.

Bổ sung đối tượng đầu tư công

Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã bổ sung thêm đối tượng đầu tư công tại Điều 5 để phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể:

– Đầu tư phục vụ công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

– Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ các đối tượng chính sách khác theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã bổ sung quy định về việc tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với dự án nhóm A, dự án quan trọng Quốc gia (khoản 1 Điều 5).

Sửa đổi, bổ sung thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án.

Theo quy định tại Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, Hội đồng nhân dân (HĐND) quyết định chủ trương đầu tư của dự án nhóm B và dự án nhóm C trọng điểm. Qua quá trình triển khai thi hành Luật, một số dự án nhóm A sử dụng toàn bộ vốn ngân sách địa phương phải thực hiện theo quy trình, thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dẫn đến kéo dài thời gian lập, thẩm định, phê duyệt dự án. Để nâng cao tính linh hoạt và trách nhiệm của HĐND các tỉnh, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 quy định HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư nhóm A do địa phương quản lý (khoản 6 Điều 17).

Ngoài ra, khoản 7 Điều 17 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 quy định HĐND các cấp quyết định chủ trương đầu tư cả dự án nhóm B, C và bổ sung quy định: “Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân quyết định việc giao cho Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án quy định tại khoản này phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, khả năng tài chính và đặc điểm cụ thể của địa phương”.

Bổ sung các nhiệm vụ, dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư (khoản 6 Điều 18),gồm:

– Nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư;

– Nhiệm vụ quy hoạch;

– Dự án đầu tư công khẩn cấp;

– Dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia;

– Dự án thành phần thuộc dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

Theo quy định tại Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13, tất cả các dự án để đươc đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn phải được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Quy định này dẫn đến nhiều dự án có thể rất nhỏ hoặc cần triển khai gấp (các dự án đầu tư công khẩn cấp) vẫn phải tuân thủ quy định này. Do đó, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã sửa đổi theo hướng quy định cụ thể một số trường hợp không phải quyết định chủ trương đầu tư nhằm bảo đảm linh hoạt trong điều hành nhưng vẫn giữ được sự chặt chẽ, hiệu quả đầu tư.

Sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công và phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn

a) Về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công

– Vốn ODA: Bổ sung thêm bước phê duyệt đề xuất dự án. Tất cả dự án ODA phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án (Điều 25).

– Vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật: Chính phủ quy định cụ thể (khoản 3 Điều 17).

b) Về phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn

Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đẩy mạnh phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, đơn giản hóa quy trình, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án. Cụ thể:

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được phân cấp thẩm định các dự án do mình quản lý. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ chủ trì thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các chương trình, dự án do Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quyết định như: Chương trình mục tiêu quốc gia; Dự án quan trọng quốc gia; Chương trình đầu tư công do Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; Dự án đầu tư công do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Bổ sung trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư

Luật Đầu tư công số 49/2014/QH14 chưa có quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Để bảo đảm căn cứ pháp lý và bổ sung khoảng trống pháp lý, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 bổ sung trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để tạo cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh dự án (Điều 34).

Sửa đổi nội dung về trình, phê duyệt, giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm và hằng năm

Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã đẩy mạnh phân cấp, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tăng cường công tác hậu kiểm, rút ngắn các thủ tục hành chính, đổi mới phương pháp theo hướng linh hoạt, chủ động và hiệu quả.

a) Về thời điểm phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn: Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa mới (khoản 1, 2 Điều 60). Riêng đối với kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên của giai đoạn sau, căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển của năm đầu tiên, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này.

b) Về giao kế hoạch đầu tư công hằng năm (Điều 61): Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm sau theo tổng mức vốn và cơ cấu vốn đã được Quốc hội quyết định cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

 Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm sau, danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp dưới, gửi phương án phân bổ chi tiết cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ và theo dõi thực hiện.

c) Về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công (Điều 67): Người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh kế hoạch đầu tư hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các dự án thuộc danh mục đã được cấp có thẩm quyền quyết định nhưng không vượt quá tổng mức vốn đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch.

Sửa đổi, bổ sung thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công (Điều 68)

Tại Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13, các dự án được phép thực hiện và giải ngân trong thời gian 02 năm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tỷ lệ giải ngân của các dự án thường chậm do các nhà thầu thường đợi đủ hồ sơ, khối lượng để thanh toán một lần và tâm lý chờ đợi do được giải ngân 02 năm. Do đó, tại Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 chỉ cho phép giải ngân trong thời gian 01 năm, cụ thể:

“Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm đến ngày 31 tháng 01 năm sau. Trường hợp bất khả kháng, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với vốn cân đối ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá 31 tháng 12 năm sau.

Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước đến hết ngày 31 tháng 01 năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau.”

Bổ sung căn cứ để các bộ, cơ quan, địa phương thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn

Để bảo đảm căn cứ cho các bộ, cơ quan, địa phương thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã bổ sung quy định về số vốn dự kiến tại Điều 54: “Trước ngày 31 tháng 7 năm thứ tư của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau với tổng mức vốn đầu tư công dự kiến bằng tổng mức vốn đầu tư công của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước, thông báo tổng mức vốn đầu tư công dự kiến của các bộ,cơ quan trung ương và địa phương để làm căn cứ quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án giai đoạn sau”.

Bổ sung căn cứ để các bộ, cơ quan, địa phương quyết định chủ trương đầu tư dự án có thời gian thực hiện kéo dài qua 02 kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn

Theo quy định tại Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13, dự án chỉ được thẩm định trong phạm vi số vốn của kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm. Tuy nhiên, đầu tư công là một quá trình liên tục. Trên thực tế, nhiều dự án kéo dài qua 02 giai đoạn kế hoạch đầu tư công trung hạn. Để bảo đảm căn cứ để cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án kéo dài qua hai kỳ kế hoạch, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã bổ sung quy định về nội dung này tại Điều 89: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đứng đầu tổ chức quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án có thời gian thực hiện trong 02 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp. Tổng số giá trị tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước của cơ quan trung ương, địa phương đó”.

Sửa đổi quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch vốn trung hạn và hằng năm vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư (Điều 59)

Theo quy định tại Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13, các dự án sử dụng nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước phải tiến hành thủ tục đầu tư như các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Điều này dẫn đến các dự án sử dụng nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước dù chỉ rất nhỏ vẫn phải trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.  

Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã phân cấp quyết định việc giao kế hoạch vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết định, chỉ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Quốc hội chứ không phải để quyết định như Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13.

Bổ sung quy định về Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công (Điều 97)

Để nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã bổ sung quy định về Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công. Theo đó, tăng cường theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động đầu tư công, sử dụng nguồn vốn đầu tư công thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đầu tư công, gắn với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và tiến tới Chính phủ số, góp phần tích cực vào việc chống thất thoát, lãng phí.

Sửa đổi quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường để phù hợp với thực tiễn

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, tất cả dự án đầu tư công đều phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường trong quá trình trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Trên thực tế, tại bước phê duyệt chủ trương đầu tư, các dự án đầu tư công chưa cần thiết phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường đầy đủ. Do đó, để phù hợp với thực tế, tại Điều 99 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 25 của Luật Bảo vệ môi trường như sau:

“a) Quyết định chủ trương đầu tư dự án đối với các đối tượng quy định tại Điều 18 của Luật này trong trường hợp pháp luật quy định dự án phải quyết định chủ trương đầu tư.

Đối với dự án đầu tư công, cấp có thẩm quyền căn cứ đánh giá sơ bộ tác động môi trường để quyết định chủ trương đầu tư; căn cứ đánh giá tác động môi trường để quyết định đầu tư đối với các đối tượng quy định tại Điều 18 của Luật này. Chính phủ quy định chi tiết đối tượng, nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường”.

CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM THỰC HIỆN LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG SỐ 39/2019/QH14

Ban hành văn bản quy định chi tiết và chỉ đạo, đôn đốc thi hành: Các cơ quan có thẩm quyền ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật khác có liên quan.

Tuyên truyền, phổ biến Luật:Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ thực hiện phổ biến, giáo dục Luật và các quy định liên quan; Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng nội dung thông tin, tuyên truyền phổ biến những yêu cầu, nội dung và các quy định của Luật kịp thời đến các cơ quan, tổ chức và người dân, giúp hiểu biết, nắm bắt pháp luật kịp thời để thực hiện.

Bảo đảm nguồn lực thực hiện: Được bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các quy định trong Luật do ngân sách nhà nước cấp theo quy định. 

Kiểm tra, thanh tra, giám sát tình hình thực hiện:Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát tình hình thi hành Luật và các văn bản pháp quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.

TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG SỐ 39/2019/QH14

Về ban hành văn bản hướng dẫn

– Thủ tướng ban hành Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 26/7/2019 ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7. Theo đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, ban hành một số Nghị định như sau:

– Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.

– Nghị định thay thế Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và Nghị định số 132/2018/NĐ-CP ngày 01/10/2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

 – Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư (khoản 6 Điều 73, khoản 4 Điều 76)

– Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia (Điều 32, khoản 3 Điều 34, khoản 6 Điều 35, khoản 6 Điều 40, khoản 6 Điều 43, khoản 2 Điều 45)

Thời gian trình Chính phủ ban hành các Nghị định trong tháng 11 năm 2019.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến ban hành 02 Thông tư:

– Thông tư về chế độ báo cáo.

– Thông tư về biểu mẫu.

Về tổ chức quán triệt, phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân: Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức các cuộc Hội nghị/Họp hướng dẫn về triển khai Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn. Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương về nội dung nêu trên trong các cuộc họp trực tuyến toàn quốc, trong cuộc họp về lập kế hoạch đầu tư công năm 2020.

——————–
𝑪𝒐̂𝒏𝒈 𝒕𝒚 𝑳𝒖𝒂̣̂𝒕 𝒉𝒐̛̣𝒑 𝒅𝒂𝒏𝒉 𝑽𝒊𝒆̣̂𝒕 𝑵𝒂𝒎 (𝑽𝒊𝒏𝒂𝒍𝒂𝒘 𝑭𝒊𝒓𝒎)

Với slogan: “Là điểm tựa của niềm tin”

??Phương châm làm việc: “Đừng bận tâm vì các vấn đề pháp lý của Quý khách hàng chính là công việc của chúng tôi”.
??Vinalaw luôn hoạt động với tôn chỉ đề cao pháp luật, uy tín, trung thực, bảo đảm lợi ích cao nhất của khách hàng trước pháp luật.
———————–
? Call: 028.629.119.20 (Liên hệ tư vấn miễn phí).
———————–
? Số 17 Trần Khánh Dư, Phường Tân Định, Quận 1, Hồ Chí Minh.
? 𝑭𝒂𝒄𝒆𝒃𝒐𝒐𝒌: fb.com/Vinalaw.vn
? 𝑾𝒆𝒃𝒔𝒊𝒕𝒆: www.vinalaw.vn
? 𝑬𝒎𝒂𝒊𝒍: info@vinalaw.vn