TÀI LIỆU GIỚI THIỆU PHÁP LỆNH QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG > CÔNG TY LUẬT HỢP DANH VIỆT NAM

TÀI LIỆU GIỚI THIỆU PHÁP LỆNH QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

 

BỘ TƯ PHÁP

VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

_______________________________

BỘ CÔNG THƯƠNG

VỤ PHÁP CHẾ

____________

TÀI LIỆU GIỚI THIỆU

PHÁP LỆNH QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

 

Pháp lệnh Quản lý thị trường được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 8/3/2016. Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 22/3/2016. Pháp lệnh có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2016.

  1. Sự cần thiết ban hành Pháp lệnh

Đẩy mạnh hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và các vi phạm pháp luật khác trong lĩnh vực thương mại có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc tạo lập môi trường phát triển thương mại lành mạnh tại Việt Nam. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa VIII đã nhấn mạnh: “Tǎng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức nǎng, phát huy vai trò của nhân dân để tiến hành có hiệu quả những biện pháp chống buôn lậu trên các tuyến biên giới, vùng biển và trên thị trường nội địa. Ngǎn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại hoặc tiếp tay, bao che cho bọn buôn lậu”. Thời gian qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng Quản lý thị trường đã góp phần vào việc bình ổn thị trường, thiết lập trật tự, kỷ cương trong hoạt động thương mại trên thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, thu hút đầu tư trong và quốc tế, thúc đẩy giao lưu hàng hoá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Số lượng vụ việc xử lý của lực lượng Quản lý thị trường không ngừng tăng lên qua các năm nhưng tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng hóa không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại vẫn lan tràn và có khuynh hướng gia tăng cả về mức độ, quy mô ở thị trường trong nước, cho thấy những hạn chế trong tổ chức và hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường, cụ thể như sau:

Một là, Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Quản lý thị trường đã được ghi nhận tại nhiều văn bản luật như Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật sở hữu trí tuệ, Luật thú y, Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật… Tuy nhiên các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước quy định thẩm quyền cho Quản lý thị trường rất khác nhau về phạm vi. Trong một số lĩnh vực, pháp luật lại có những quy định riêng mang tính đặc thù về thẩm quyền và trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước trong các lĩnh vực tương ứng. Sự không thống nhất trong các quy định này đã tạo ra những trở ngại, vướng mắc nghiêm trọng về mặt pháp lý cho hoạt động kiểm tra hành chính của lực lượng Quản lý thị trường đối với các chủ thể kinh doanh trên thị trường; tính minh bạch trong hoạt động kiểm tra và sự tương thích với các cam kết thúc đẩy tự do thương mại khó có thể được bảo đảm.    

  Hai là, Lực lượng Quản lý thị trường không được tổ chức theo mô hình tập trung thống nhất từ trung ương đến địa phương, làm phân tán lực lượng, tính cơ động không cao, hạn chế công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… Đồng thời không tạo được sự tập trung quản lý, chỉ đạo, điều hành thông suốt trong toàn ngành, đặc biệt là khả năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ứng phó kịp thời đối với các diễn biến bất thường, có tác động tiêu cực trên thị trường trên phạm vi cả nước.

Ba là, Thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải có sự phối hợp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa lực lượng Quản lý thị trường với các cơ quan chức năng nước bạn, đặc biệt là các nước có chung biên giới trong việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ xác minh đối tượng, phối hợp đấu tranh phòng, chống vi phạm, ngăn chặn các tổ chức hoạt động trên địa bàn liên quốc gia. Bên cạnh đó, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa, lực lượng Quản lý thị trường thường xuyên phải phối hợp nhiều lực lượng như: Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Thuế… Tuy nhiên đến nay, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Quản lý thị trường mới chỉ được quy định bởi các văn bản pháp quy, trong đó phần lớn là các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong khi các quy định pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, lực lượng như Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Thuế, Kiểm lâm đã được xác định một cách rõ ràng, cụ thể tại các văn bản luật, pháp lệnh tương ứng.

Chính vì các lý do trên, việc ban hành Pháp lệnh Quản lý thị trường nhằm mục đích tạo lập cơ sở pháp lý chung thống nhất, rõ ràng, minh bạch về hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của Quản lý thị trường; bảo đảm hiệu quả của hoạt động kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh và bảo vệ thương mại lành mạnh, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng là rất cần thiết.

  1. Mục tiêu chính sách Pháp lệnh Quản lý thị trường hướng tới

– Luật hóa dưới hình thức Pháp lệnh địa vị pháp lý của Quản lý thị trường nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của Quản lý thị trường trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và hội nhập trong tình hình mới, đồng thời, thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác kiểm tra, giám sát thị trường.

– Quy định trình tự, thủ tục kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các chủ thể kinh doanh trên thị trường nhằm công khai, minh bạch hoá hoạt động của Quản lý thị trường để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các tổ chức, cá nhân theo Hiến pháp và pháp luật; ngăn ngừa hành vi lạm quyền, tiêu cực, vi phạm trong hoạt động công vụ của Quản lý thị trường, góp phần thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh.

– Quy định quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được kiểm tra, trách nhiệm của Quản lý thị trường trong hoạt động kiểm tra nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được kiểm tra. 

– Quy định nội dung phối hợp trong hoạt động kiểm tra của Quản lý thị trường, bao gồm nội dung quy định cụ thể về nguyên tắc phối hợp; nội dung phối hợp; cơ quan chủ trì kiểm tra và trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong hoạt động kiểm tra của Quản lý thị trường.

– Quy định chế độ chính sách bảo đảm điều kiện hoạt động của Quản lý thị trường để Quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ được giao, bao gồm nội dung quy định về bảo đảm điều kiện hoạt động; trang phục, trang bị, phương tiện làm việc; chế độ, chính sách đối với công chức Quản lý thị trường.

– Quy định trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; giám sát và tạo điều kiện cho lực lượng Quản lý thị trường thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

III. Cơ cấu, bố cục của Pháp lệnh

Pháp lệnh Quản lý thị trường gồm có 8 chương, 46 Điều, cụ thể như sau:

  • Chương I. Quy định chung: gồm 6 Điều: từ Điều 1 đến Điều 6 quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; quản lý nhà nước đối với lực lượng Quản lý thị trường; nguyên tắc hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường; xây dựng lực lượng Quản lý thị trường.
  • Chương II. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của lực lượng Quản lý thị trường: gồm5 Điều: từ Điều 7 đến Điều 11 quy định về vị trí, chức năng của lực lượng Quản lý thị trường; nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng Quản lý thị trường; tổ chức của lực lượng Quản lý thị trường; công chức Quản lý thị trường; những việc công chức Quản lý thị trường không được làm.
  • Chương III. Thẻ kiểm tra thị trường, hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của Quản lý thị trường và quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được kiểm tra: gồm 3 Mục, 20 Điều: từ Điều 12 đến Điều 31 quy định về cấp, sử dụng, thu hồi, tạm đình chỉ sử dụng thẻ kiểm tra thị trường; quy trình hoạt động kiểm tra; hoạt động thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường; quyền của tổ chức, cá nhân được kiểm tra; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được kiểm tra.
  • Chương IV. Các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường:gồm 02 Điều: từ Điều 32 đến Điều 33 quy định về các biện pháp nghiệp vụ và nội dung hoạt động của các biện pháp nghiệp vụ.
  • Chương V. Phối hợp trong hoạt động kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường:gồm 04 Điều: từ Điều 34 đến Điều 37 quy định về nguyên tắc phối hợp; nội dung phối hợp; cơ quan chủ trì kiểm tra; trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.
  • Chương VI. Bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với lực lượng Quản lý thị trường: gồm 03 Điều: từ Điều 38 đến Điều 40 quy định về bảo đảm hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường; phương tiện làm việc, trang phục của lực lượng Quản lý thị trường; chế độ, chính sách đối với công chức Quản lý thị trường.
  • Chương VII. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường: gồm 04 Điều: từ Điều 41 đến Điều 44 quy định về trách nhiệm của Bộ Công thương; trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.
  • Chương VIII. Điều khoản thi hànhgồm 02 Điều từ Điều 45 đến Điều 46 quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm quy định chi tiết Pháp lệnh.
  • Nội dung cơ bản của Pháp lệnh
  • Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

– Phạm vi điều chỉnh: Pháp lệnh quy định vị trí, chức năng, tổ chức; hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường; cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm hoạt động, chế độ, chính sách đối với lực lượng Quản lý thị trường.

– Đối tượng áp dụng: Pháp lệnh áp dụng với cơ quan, công chức Quản lý thị trường; cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến tổ chức, hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường.

  1. Nguyên tắc cơ bản, chính sách của nhà nước

2.1. Nguyên tắc hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường 

a) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng và bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm khách quan, chính xác, công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử; tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.

b) Chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

c) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

d) Bảo vệ bí mật nguồn thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra, thanh tra liên quan đến tổ chức, cá nhân được kiểm tra, thanh tra chuyên ngành.

đ) Dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.

2.2. Xây dựng lực lượng Quản lý thị trường

a) Nhà nước xây dựng lực lượng Quản lý thị trường chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại.

b) Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia xây dựng, phối hợp, tạo điều kiện cho lực lượng Quản lý thị trường thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

c) Nhà nướctuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở vật chất hiện đại để bảo đảm lực lượng Quản lý thị trường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Các hành vi bị cấm

Pháp lệnh quy định những việc công chức Quản lý thị trường không được làm trong hoạt động công vụ, cụ thể như sau:

3.1. Thực hiện hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, biện pháp nghiệp vụ không có căn cứ, không đúng chức năng, thẩm quyền, phạm vi nhiệm vụ, địa bàn hoạt động được giao, không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

3.2. Cản trở lưu thông hàng hóa, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên thị trường; đe dọa, mua chuộc, lừa dối đối với tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành hoặc xử lý vi phạm hành chính.

3.3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thái độ, cử chỉ, phát ngôn không đúng quy định đối với tổ chức, cá nhân trong khi thi hành công vụ.

3.4. Tiết lộ trái phép thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc liên quan đến hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường.

3.5. Những việc công chức không được làm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

  1. Vị trí, chức năng và phạm vi kiểm tra của Quản lý thị trường

Pháp lệnh đã quy định rõ hơn vị trí, chức năng của Quản lý thị trường: Lực lượng Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 7). Quy định này phù hợp với chức năng, thẩm quyền của lực lượng Quản lý thị trường đã được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương giao tại các văn bản quy phạm pháp luật và hoạt động thực tiễn của Quản lý thị trường.

Bên cạnh đó, Pháp lệnh quy định phạm vi kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường: Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên thị trường; trong quá trình kiểm tra hàng hóa, nếu phát hiện có vi phạm thì lực lượng Quản lý thị trường được quyền thực hiện kiểm tra cơ sở sản xuất hàng hoá, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; kiểm tra cơ sở sản xuất đối với lĩnh vực, ngành hàng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương; kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực khác mà lực lượng Quản lý thị trường được Chính phủ giao thẩm quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính (Điều 17). Quy định về phạm vi kiểm tra của Quản lý thị trường vừa kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành về chức năng, nhiệm vụ của Quản lý thị truờng, vừa khắc phục được sự chồng chéo trong hoạt động kiểm tra, bảo đảm cho hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, đảm bảo phù hợp với cơ sở pháp lý và hoạt động thực tiễn của Quản lý thị trường trong thời gian qua.

  1. Công tác phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả hàng cấm và gian lận thương mại

Công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng thuộc các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp. Pháp lệnh Quản lý thị trường đã luật hóa nội dung phối hợp trong hoạt động kiểm tra của Quản lý thị trường. Theo đó, xác định trách nhiệm, vai trò chủ trì của Quản lý thị trường trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và vai trò chủ trì của các cơ quan, lực lượng chức năng trong kiểm tra hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường theo lĩnh vực quản lý nhà nước để bảo đảm việc phối hợp đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, kịp thời, không chồng chéo và hiệu quả (Điều 36).

  1. Các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Quản lý thị trường và chế độ chính sách cho công chức Quản lý thị trường

Pháp lệnh quy định chế độ chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của Quản lý thị trường, bao gồm nội dung quy định về bảo đảm điều kiện hoạt động; trang phục, trang bị, phương tiện làm việc và đặc biệt là chế độ, chính sách đối với công chức Quản lý thị trường. Theo đó, Lực lượng Quản lý thị trường thuộc biên chế công chức do Chính phủ quy định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động, trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và các điều kiện cần thiết khác cho lực lượng Quản lý thị trường. Lực lượng Quản lý thị trường được trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ, ô tô, xe mô tô phân khối lớn, tàu, xuống cao tốc, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và trang thiết bị chuyên dụng hiện đại; được cấp thống nhất biển hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, cờ hiệu, trang phục và các trang thiết bị cần thiết khác. Công chức Quản lý thị trường được hưởng lương, phụ cấp theo ngạch, bậc, chức vụ công chức chuyên ngành Quản lý thị trường, phụ cấp thâm niên và các chế độ phụ cấp khác phù hợp với tính chất, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường theo quy định của Chính phủ; Công chức Quản lý thị rường có thành tích trong khi thực hiện hoạt động công vụ được giao được xét khen thưởng, trường hợp có vi phạm trong hoạt động công vụ thì bị xử lý theo quy định của pháp luật; Công chức quản lý thị trường bị thương hoặc hy sinh trong khi thi hành công vụ được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng (Điều 38, Điều 39, Điều 40).

Việc Pháp lệnh đã quy định phù hợp về chế độ, chính sách đối với công chức Quản lý thị trường nhằm động viên công chức Quản lý thị trường khắc phục những khó khăn trong công việc, điều kiện làm việc vất vả, không kể ngày hay đêm và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Đồng thời bảo đảm chế độ, chính sách tương tự đối với công chức một số ngành có tính chất công việc tương tự Quản lý thị trường như: hải quan, thanh tra, kiểm lâm…

  1. Về hợp tác quốc tế

Trước đây, Nghị định số 10/CP ngày 23/01/1995 của Chính phủ về tổ chức nhiệm vụ và quyền hạn của quản lý thị trường (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 27/2008/NĐ-CP ngày 13/3/2008 của Chính phủ) không quy định về hoạt động hợp tác quốc tế đối với Quản lý thị trường. Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, Cục Quản lý thị trường đã cùng với các tổ chức như JICA, JETRO, Đại sứ quán Vương quốc Anh… thực hiện nhiều chương trình đào tạo, nâng cao năng lực thực thi cho công chức Quản lý thị trường, tổ chức các hội thảo, hội nghị phổ biến tuyên truyền về sở hữu trí tuệ góp phần tích cực vào công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Hiện nay, trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và ký kết các hiệp định thương mại, ngoài việc nâng cao địa vị pháp lý, lực lượng Quản lý thị trường phải nâng cao năng lực thực thi pháp luật trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trên thị trường, phải tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan có thẩm quyền của các nước bạn trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, góp phần việc thực hiện tốt các hiệp định thương mại đã ký kết.

Do đó, Pháp lệnh đã quy định một trong các nội dung quản lý nhà nước đối với lực lượng Quản lý thị trường là hợp tác quốc tế liên quan đến hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường, gồm trao đổi thông tin, hợp tác nghiệp vụ, ký kết và tổ chức thực hiện các thỏa thuận quốc tế (khoản 1 Điều 4).

  1. Vai trò của Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận

 Pháp lệnh đã quy định về vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác trong công tác phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; giám  sát và tạo điều kiện cho lực lượng Quản lý thị trường thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn (Điều 44).

  • Các điều kiện bảo đảm thực hiện Pháp lệnh
  • Pháp lệnh quy định các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường và chế độ chính sách đối với công chức Quản lý thị trường (biên chế, trụ sở, trang thiết bị, phương tiện giao thông, công cụ hỗ trợ phương tiện làm việc, trang phục và các điều kiện khác; các chế độ lương, phụ cấp thâm niên, phụ cấp khác).
  • Để đảm bảo thực hiện pháp lệnh, Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh Quản lý thị trường. Nội dung của Nghị định sẽ làm rõ mô hình tổ chức của cơ quan Quản lý thị trường các cấp. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ xây dựng Đề án thành lập, tổ chức lại cơ quan Quản lý thị trường trên sơ sở kế thừa tổ chức, biên chế, cơ sở vật chất của cơ quan Quản lý thị trường các cấp hiện nay theo yêu cầu của từng giai đoạn, nhiệm vụ để bảo đảm cho việc thống nhất chỉ đạo và quản lý kịp thời, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát và thực hiện xây dựng, ban hành các văn bản theo thẩm quyền nhằm bảo đảm tổ chức và hoạt động của Quản lý thị trường khi Pháp lệnh có hiệu lực.

  1. Dự báo tác động chính sách của pháp lệnh đối với người dân và xã hội
  2. Nâng cao địa vị pháp lý của lực lượng Quản lý thị trường

Pháp lệnh đã nâng cao địa vị pháp lý của Quản lý thị trường phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao là cơ quan nòng cốt trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và tương xứng với các cơ quan, lực lượng khác có cùng chức năng, nhiệm vụ trong công tác phối hợp. Đồng thời, thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác kiểm tra, giám sát thị trường.

  1. Công khai, minh bạch hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành công thương của Quản  lý thị trường

Pháp lệnh Quản lý thị trường làm rõ hơn quyền, trách nhiệm của công chức Quản lý thị trường và đối tượng được kiểm tra, kiểm soát trên thị trường. Pháp lệnh đã luật hóa trình tự, thủ tục kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các chủ thể kinh doanh trên thị trường nhằm công khai, minh bạch hoá hoạt động của Quản lý thị trường đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch và tăng cường cải cách hành chính đối với quy trình kiểm tra của Quản lý thị trường; bảo đảm nguyên tắc lực lượng Quản lý thị trường thực hiện hoạt động kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cả tổ chức, cá nhân trước hoạt động kiểm tra không đúng quy định pháp luật của lực lượng Quản lý thị trường; góp phần phòng, chống tham nhũng, ngăn ngừa tiêu cực, tùy tiện, lạm quyền trong thực thi công vụ; gây tác động hoặc ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của tổ chức cá nhân.

  1. Bảo đảm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân      

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ là đối tượng chịu sự kiểm tra của Quản lý thị trường nhưng trước khi Pháp lệnh được ban hành vẫn chưa có văn bản quy định rõ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được kiểm tra. Điều này dẫn đến sự thiếu minh bạch trong hoạt động kiểm tra của Quản lý thị trường, ảnh hưởng tới tâm lý, sự hợp tác của các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động kiểm tra của Quản lý thị trường. Để công khai, minh bạch công tác kiểm tra của Quản lý thị trường, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được kiểm tra, Pháp lệnh đã quy định quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được kiểm tra. Những quy định này nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được kiểm tra, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các tổ chức, cá nhân theo Hiến pháp và pháp luật, hạn chế tiêu cực trong hoạt động kiểm tra của Quản lý thị trường cũng như ngăn chặn các vi phạm pháp luật khác trong quá trình kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh.

VII. Triển khai thi hành Pháp lệnh

Để triển khai thi hành Pháp lệnh Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đang khẩn trương chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị thực hiện các công việc như sau:

  1. Phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quản lý thị trường.

– Phối hợp với các cơ quan hữu quan để ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện tổ chức và hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường (các văn bản như: Thông tư quy định, sử dụng Thẻ kiểm tra thị trường và các biện pháp nghiệp vụ của Quản lý thị trường, Thông tư quy định về chế độ quản lý, sử dụng số hiệu, phù hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu và trang phục của công chức Quản lý thị trường…).

  • Kiện toàn lại tổ chức bộ máy của lực lượng Quản lý thị trường theo đúng quy định tại Pháp lệnh Quản lý thị trường.
  • Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Pháp lệnh Quản lý thị trường và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh.
  • Nghiên cứu, xây dựng đề án nâng cao năng lực của lực lượng Quản lý thị trường 2016-2020 tầm nhìn 2025 trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt./.
——————–
𝑪𝒐̂𝒏𝒈 𝒕𝒚 𝑳𝒖𝒂̣̂𝒕 𝒉𝒐̛̣𝒑 𝒅𝒂𝒏𝒉 𝑽𝒊𝒆̣̂𝒕 𝑵𝒂𝒎 (𝑽𝒊𝒏𝒂𝒍𝒂𝒘 𝑭𝒊𝒓𝒎)

Với slogan: “Là điểm tựa của niềm tin”

??Phương châm làm việc: “Đừng bận tâm vì các vấn đề pháp lý của Quý khách hàng chính là công việc của chúng tôi”.
??Vinalaw luôn hoạt động với tôn chỉ đề cao pháp luật, uy tín, trung thực, bảo đảm lợi ích cao nhất của khách hàng trước pháp luật.
———————–
? Call: 028.629.119.20 (Liên hệ tư vấn miễn phí).
———————–
? Số 17 Trần Khánh Dư, Phường Tân Định, Quận 1, Hồ Chí Minh.
? 𝑭𝒂𝒄𝒆𝒃𝒐𝒐𝒌: fb.com/Vinalaw.vn
? 𝑾𝒆𝒃𝒔𝒊𝒕𝒆: www.vinalaw.vn
? 𝑬𝒎𝒂𝒊𝒍: info@vinalaw.vn