ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU
LUẬT PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM
- SỰ CẦN THIẾT PHẢI BAN HÀNH LUẬT
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ngành Y tế đã có rất nhiều cố gắng trong việc khống chế và đẩy lùi dịch bệnh nhờ kiên trì công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng như tiêm chủng phòng bệnh, cải thiện môi trường sống, chủ động giám sát bệnh truyền nhiễm theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương, phát hiện sớm, ngăn chặn và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh; số các trường hợp mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm giảm rõ rệt. Các bệnh nhiễm khuẩn có vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng giảm từ 10 đến trên 100 lần so với trước khi thực hiện chương trình, đặc biệt năm 2000, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm còn một số tồn tại và đang đứng trước những thách thức sau:
Một là, tình hình các bệnh truyền nhiễm trên thế giới và Việt Nam đang có xu hướng gia tăng về số lượng với tính chất nguy hiểm cao và diễn biến ngày càng phức tạp. Một số bệnh trước đây đã được khống chế nay đang có nguy cơ bùng phát trở lại như: tả, sốt rét, lao, bại liệt…Đặc biệt là sự xuất hiện của một số bệnh truyền nhiễm mới như Ebola, SARS, cúm A (H5N1) là những bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong cao. Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo, trong thời gian tới đại dịch cúm có thể xảy ra với hàng trăm triệu người mắc và hàng chục triệu người chết.
Ở nước ta, bệnh truyền nhiễm chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu bệnh tật. Hàng năm có khoảng 3,5 triệu người mắc và hàng nghìn trường hợp tử vong do bệnh truyền nhiễm, chiếm khoảng 55% tổng số các trường hợp mắc bệnh. Các bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất cũng là các bệnh truyền nhiễm (cúm, sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy, thương hàn, lao, HIV/AIDS) ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ nhân dân và sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Hai là, môi trường bị ô nhiễm; sự biến đổi của khí hậu toàn cầu; sự biến đổi của các tác nhân gây bệnh, nguy cơ sử dụng vũ khí sinh học trong hoạt động khủng bố; sự giao lưu quốc tế ngày càng gia tăng giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, cùng với xu hướng hội nhập, quá trình toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, quá trình đô thị hoá…là những điều kiện để bệnh truyền nhiễm có nguy cơ xâm nhập, bùng phát, lan rộng và kéo dài.
Ba là, đầu tư của Nhà nước cho công tác y tế dự phòng nói chung và phòng chống các bệnh truyền nhiễm nói riêng còn rất hạn chế.
Đội ngũ cán bộ y tế dự phòng còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao, số cán bộ chuyên môn được đào tạo chuyên ngành y tế dự phòng còn ít, hơn 75% cán bộ y tế dự phòng không được đào tạo chuyên ngành. Nhiều Trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh, huyện mới được thành lập chưa có đủ cán bộ làm việc. Tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học, trên đại học còn thấp, tập trung chủ yếu ở tuyến trung ương. Công tác đào tạo cán bộ cho hệ y tế dự phòng chưa được chú trọng; một số cán bộ chưa thật sự yên tâm công tác; các sinh viên không muốn học chuyên ngành y tế dự phòng vì chế độ, chính sách chưa thoả đáng.
Cơ sở hạ tầng của hệ thống y tế dự phòng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Tuyến tỉnh chỉ có 20% Trung tâm y tế dự phòng có cơ sở làm việc đủ tiêu chuẩn, 50% cần phải nâng cấp sửa chữa, 23% nhà cấp 4 cần xây dựng mới, 7% Trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh và phần lớn Trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện chưa có trụ sở làm việc.
Trang thiết bị của các đơn vị thuộc y tế dự phòng còn rất nghèo nàn, chưa đáp ứng được yêu cầu của việc giám sát và nghiên cứu phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Hiện nay, cả nước chưa có phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp độ III. Hệ thống xét nghiệm của các đơn vị y tế dự phòng tại địa phương lạc hậu, từ năm 1976 đến nay chưa có trang bị tổng thể và đồng bộ. Việc sản xuất vắc xin chưa có sự đầu tư thoả đáng để có đủ vắc xin trong nước chủ động phục vụ cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Ngân sách dành cho y tế dự phòng còn thấp, trong vòng 10 năm gần đây, ngân sách cho y tế dự phòng năm thấp nhất là 11,3%, năm cao nhất là 20,7%, trung bình là 16,4% so với tổng ngân sách toàn ngành, trong khi các hoạt động y tế dự phòng ngày càng đòi hỏi các phương tiện kỹ thuật cao và chi phí lớn hơn.
Bốn là, việc phối hợp giữa ngành y tế với các ngành và các địa phương trong cả nước chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác phòng, chống dịch. Nhiều bộ, ngành còn thiếu sự chủ động, chưa tích cực tham gia vào công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế chưa thực sự làm tốt công tác tham mưu, tổ chức chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Năm là, hiện nay, một số văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh vấn đề này như Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân ngày 07 tháng 11 năm 1989; Điều lệ Vệ sinh ban hành kèm theo Nghị định số 23/HĐBT ngày 24 tháng 01 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), các văn bản pháp luật về tình trạng khẩn cấp và các văn bản quy phạm pháp luật khác do Bộ Y tế hướng dẫn thi hành chưa đủ để hình thành một hành lang pháp lý thật sự cụ thể, rõ ràng cho công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm. Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân và Nghị định số 23/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) chỉ quy định mang tính nguyên tắc về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; nhiều vấn đề mới nảy sinh chưa được Luật điều chỉnh, đặc biệt các biện pháp ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng …; sự tham gia, cam kết của các cơ quan, chính quyền, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp được ban hành dưới hình thức “quy định mật” nên chưa đáp ứng được tính công khai để tạo cơ chế chủ động cho công tác phòng, chống dịch. Thực trạng trên đây đã dẫn đến hệ quả là văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm bị phân tán, không đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Ngày 23 tháng 2 năm 2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đã xác định “Tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống y tế dự phòng… Nâng cao năng lực giám sát, phát hiện và khống chế dịch bệnh, đặc biệt là HIV/AIDS và các dịch bệnh mới phát sinh“. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng nhấn mạnh việc tăng cường phòng, chống các bệnh truyền nhiễm là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.
Ngày 30 tháng 6 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 cũng đã xác định, củng cố mạng lưới y tế dự phòng và thực hiện mục tiêu phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng, trước mắt cũng như lâu dài của nước ta.
- Trong bối cảnh giao lưu và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, đòi hỏi pháp luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm của nước ta phải phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tạo cơ sở pháp lý cho việc giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Từ các lý do trên đây, việc ban hành Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm là hết sức cần thiết và cấp bách, làm nền tảng pháp lý quan trọng cho việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh truyền nhiễm có hiệu quả ở Việt Nam, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, ngày 21 tháng 11năm 2008, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 2 đã thông Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008.
2. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM
Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm gồm 6 chương và 64 điều, gồm các nội dung cơ bản sau:
Chương I – Những quy định chung gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8) quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; phân loại bệnh truyền nhiễm; nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm; chính sách của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm và những hành vi bị nghiêm cấm.
– Phạm vi điều chỉnh (Điều 1): Điểm cần lưu ý trong phạm vi điều chỉnh của Luật là việc phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Mặc dù đây cũng là một trong các bệnh truyền nhiễm, việc đưa vấn đề phòng, chống HIV/AIDS ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật xuất phát từ những đặc thù của căn bệnh HIV/AIDS mà nếu áp dụng các quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì sẽ rất khó để bảo đảm tính khả thi, ví dụ: quy định về khai báo các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, quy định về cách ly người mắc bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khai báo y tế khi xuất cảnh, nhập cảnh cũng như việc áp dụng các quy định về chống dịch…
Trong Luật này các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng được thể hiện dưới góc độ đan xen, kết hợp giữa các biện pháp xã hội và các biện pháp về chuyên môn kỹ thuật y tế chứ không chỉ đơn thuần là các biện pháp về chuyên môn kỹ thuật y tế.
– Phân loại bệnh truyền nhiễm (Điều 3): Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã phân loại bệnh truyền nhiễm thành ba nhóm: Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ nguyên nhân gây bệnh; Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong; Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh. Các bệnh truyền nhiễm được nêu tên cụ thể trong từng nhóm. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, giúp nhân dân biết để từ đó xây dựng ý thức về phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng. Bên cạnh đó, việc phân loại cụ thể bệnh truyền nhiễm cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức trong việc lựa chọn các biện pháp phòng ngừa, chống dịch phù hợp với từng loại bệnh dịch.
– Nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Điều 4): Luật đã quy định bốn nguyên tắc cơ bản xuyên suốt toàn bộ nội dung Luật, đó là:
- Lấy phòng bệnh là chính, trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
- Thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào trong các chương trình phát triển kinh tế – xã hội.
- Công khai, chính xác, kịp thời các thông tin về dịch.
- Chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong hoạt động phòng, chống dịch.
Các nguyên tắc này đã thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước ta trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm, coi công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành y tế mà là của toàn xã hội.
– Chính sách của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Điều 5): Luật đã quy định một số chính sách quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm như ưu tiên, hỗ trợ đào tạo chuyên ngành y tế dự phòng; ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, hệ thống giám sát phát hiện bệnh truyền nhiễm, nghiên cứu sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế; hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu khoa học, trao đổi và đào tạo chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; huy động sự đóng góp về tài chính, kỹ thuật và nhân lực của toàn xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm…
– Những hành vi bị cấm (Điều 8): Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định 7 hành vi bị cấm như sau:
- Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiềm.
- Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
- Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
- Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.
- Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
- Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.
- Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Chương II – Phòng bệnh truyền nhiễm gồm 26 điều (từ Điều 9 đến Điều 34) được chia thành sáu mục:
a) Mục 1 – Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm (từ Điều 9 đến Điều 12)bao gồm các quy địnhvề nội dung, đối tượng, yêu cầu của thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và trách nhiệm thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
b) Mục 2 – Vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm (từ Điều 13 đến Điều 19)bao gồm các quy định về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; vệ sinh trong cung cấp nước sạch, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt; vệ sinh trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy gia súc, gia cầm và động vật khác; vệ sinh an toàn thực phẩm; vệ sinh trong xây dựng; vệ sinh trong việc quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt và các hoạt động khác trong vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm.
c) Mục 3 – Giám sát bệnh truyền nhiễm (từ Điều 20 đến Điều 23)bao gồm các quy định về hoạt động giám sát bệnh truyền nhiễm (giám sát các trường hợp mắc bệnh, bị nghi ngờ mắc bệnh và mang mầm bệnh, giám sát trung gian truyền bệnh); nội dung giám sát bệnh truyền nhiễm; báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm và trách nhiệm giám sát bệnh truyền nhiễm.
d) Mục 4 – An toàn sinh học trong xét nghiệm (từ Điều 24 đến Điều 26)bao gồm các quy định về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm; quản lý mẫu bệnh phẩm và bảo vệ người làm việc trong phòng xét nghiệm.
đ) Mục 5 – Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh (từ Điều 27 đến Điều 30) bao gồm các quy định về nguyên tắc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế; sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế tự nguyện; sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc và trách nhiệm trong việc tổ chức sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế.
e) Mục 6 – Phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (từ Điều 31 đến Điều 34)bao gồm các quy định về biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm; trách nhiệm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; trách nhiệm của người bệnh, người nhà người bệnh trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Nội dung của Chương này được xây dựng trên cơ sở kế thừa những quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về thông tin, giáo dục, truyền thông trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm, vệ sinh phòng bệnh, giám sát bệnh truyền nhiễm, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế, phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đồng thời bổ sung thêm các quy định mới về an toàn sinh học; sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc; trách nhiệm của thầy thuốc, nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh trong việc thực hiện các quy định nhằm phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể như sau:
– An toàn sinh học (Mục 4 – Chương II): Đây là một trong các điểm tiến bộ của Luật so với Luật của các nước trong khu vực. Với việc đưa ra các quy định mang tính định khung về an toàn sinh học và giao Chính phủ quy định cụ thể sẽ góp phần chuẩn hóa hệ thống xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc, hạn chế đến mức tối đa các nguy cơ làm phát tán nguồn bệnh từ các phòng xét nghiệm ra cộng đồng.
– Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế (Mục 5 – Chương II): Việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế được chia thành hai hình thức là bắt buộc và tự nguyện, trong đó đặc biệt đáng lưu ý là việc Luật quy định chính sách miễn phí cho các đối tượng là trẻ em, phụ nữ có thai đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch. Đồng thời, Luật cũng quy định rõ trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng khi sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắc xin, sinh phẩm y tế và người làm công tác tiêm chủng, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế có lỗi trong việc sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế.
Chương III – Kiểm dịch y tế biên giới gồm 3 điều (từ Điều 35 đến Điều 37) quy định về đối tượng và địa điểm kiểm dịch y tế biên giới; nội dung kiểm dịch y tế biên giới và trách nhiệm trong việc thực hiện kiểm dịch y tế biên giới.
Chương này được xây dựng trên cơ sở pháp điển hóa các quy định của Nghị định số 41/1998/NĐ – CP ngày 03/01/1998 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ kiểm dịch y tế biên giới và Điều lệ y tế quốc tế năm 2005 mà Việt Nam là thành viên tham gia phê chuẩn. Nội dung của Chương này tập trung vào một số quy định nhằm ngăn chặn nguồn bệnh truyền nhiễm lây từ nước ngoài vào Việt Nam như bắt buộc khai báo y tế đối với tất cả các hành khách xuất cảnh, nhập cảnh, hàng hóa, phương tiện vận tải nhập khẩu, quá cảnh Việt Nam; kiểm tra y tế đối với các trường hợp đối tượng xuất phát hoặc đi qua vùng có bệnh hoặc có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm phải kiểm dịch và xử lý y tế được thực hiện khi đã tiến hành kiểm tra y tế và phát hiện đối tượng phải kiểm dịch y tế có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm phải kiểm dịch. Trong đó đáng chú ý là quy định cho phép cơ quan kiểm dịch y tế biên giới áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly trong trường hợp hành khách, hàng hoá, phương tiện vận tải có dấu hiệu mang mầm bệnh thuộc nhóm A không thực hiện yêu cầu cách ly để kiểm tra y tế.
Chương IV – Chống dịch gồm 19 điều (từ Điều 38 đến Điều 56) được chia thành ba mục:
a) Mục 1- Công bố dịch gồm 4 điều (từ Điều 38 đến Điều 41)bao gồm các quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, thời hạn và điều kiện công bố dịch; nội dung công bố dịch; điều kiện và thẩm quyền công bố hết dịch; đưa tin về tình hình dịch.
b) Mục 2 – Ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch gồm 4 điều (từ Điều 42 đến Điều 45)bao gồm các quy định về nguyên tắc và thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; nội dung ban bố tình trạng khẩn cấp khi có dịch; thẩm quyền bãi bỏ tình trạng khẩn cấp khi hết dịch; đưa tin trong tình trạng khẩn cấp về dịch.
c) Mục 3 – Các biện pháp chống dịch gồm 11 điều (từ Điều 46 đến Điều 56)bao gồm các quy định về thành lập Ban chỉ đạo chống dịch; khai báo, báo cáo dịch; tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức cách ly y tế; vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch; các biện pháp bảo vệ cá nhân; các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch; kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A; các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch; huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch và hợp tác quốc tế trong hoạt động chống dịch.
Chương này được xây dựng trên cơ sở thực tiễn của công tác chống dịch trong những năm vừa qua và thông lệ của quốc tế về chống dịch. Cụ thể như sau:
– Về công bố dịch: Luật quy định mọi trường hợp có dịch đều phải được công bố nhưng để tránh tình trạng công bố dịch không chính xác, gây hoang mang cho nhân dân và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội, Luật cũng quy định rất cụ thể về thẩm quyền công bố dịch đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể điều kiện công bố dịch. Bên cạnh đó, về bản chất của việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch cũng là một hình thức công bố dịch nhưng do các đặc thù của tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh đòi hỏi phải có các biện pháp đặc biệt để khống chế dịch, hạn chế đến mức tối đa các thiệt hại về người và tài sản cho Nhà nước và nhân dân nên Luật đã tách việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch thành một mục riêng.
– Về các biện pháp chống dịch: Một số điểm đáng lưu ý của mục này là việc bên cạnh các biện pháp chuyên môn y tế, Luật còn giao cho Trưởng ban chỉ đạo chống dịch được quyền áp dụng các biện pháp hành chính có tính cưỡng chế cao nhằm hạn chế đến mức tối đa sự lây lan của dịch bệnh như kiểm soát ra, vào vùng có dịch, tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch và hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch.
Chương V – Các điều kiện bảo đảm để thực hiện phòng, chống bệnh truyền nhiễm gồm 6 điều (từ Điều 57 đến Điều 62) bao gồm các quy định về cơ sở phòng, chống bệnh truyền nhiễm; đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm; chế độ đối với người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và người tham gia chống dịch; kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm; dự trữ quốc gia cho phòng, chống dịch và Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch.
Nội dung của Chương này tập trung vào việc quy định về các nguồn lực nhằm bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm, các chế độ, chính sách đối với người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm… đặc biệt là quy định xem xét để công nhận là liệt sỹ hoặc thương binh, hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đối với trường hợp dũng cảm cứu người trong khi tham gia chống dịch mà chết hoặc bị thương.
Chương VI – Điều khoản thi hành gồm 2 Điều (Điều 63 và Điều 64) quy định về hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành luật. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2008.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Luật phòng, chống nhiễm bệnh truyền nhiễm được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007 là một sự kiện quan trọng thể hiện được quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong giai đoạn tới, góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Để đảm bảo Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008, Bộ Y tế hướng dẫn triển khai thi hành Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm như sau:
– Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
– Tổ chức các Hội nghị triển khai, tập huấn về Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
– Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
– Biên soạn và in ấn sách, tài liệu giới thiệu về Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm để đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Căn cứ vào các quy định trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về việc giao các bộ, cơ quan ngang bộ trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm:
– Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên thông tin, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, lồng ghép chương trình phòng, chống bệnh truyền nhiễm với các chương trình thông tin, truyền thông khác.
– Bộ giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng nội dung giáo dục phòng, chống bệnh truyền nhiễm kết hợp với các nội dung giáo dục khác.
Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho nhân dân địa phương.
– Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng để thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống bệnh truyền nhiễm trên đài phát thanh, đài truyền hình…
– Ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
>>>>> Các bài viết quan tâm khác: Đề cương giới thiệu Luật An ninh mạng
Với slogan: “Là điểm tựa của niềm tin”