ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT XUẤT BẢN > CÔNG TY LUẬT HỢP DANH VIỆT NAM

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT XUẤT BẢN

         BỘ TƯ PHÁP

            VỤ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

                    BỘ VĂN HOÁ – THÔNG TIN

CỤC XUẤT BẢN

 

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU

LUẬT XUẤT BẢN

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT XUẤT BẢN

1. Thực trạng hoạt động xuất bản những năm vừa qua

1.1. Những kết quả đã đạt được:

Trong hơn 10 năm qua, hoạt động xuất bản đã từng bước thích ứng với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững định hướng chính trị trong quá trình phát triển, ổn định hệ thống tổ chức, có bước phát triển đáng kể về lực lượng và năng lực hoạt động, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu đa dạng ngày càng cao về xuất bản phẩm của toàn xã hội, góp phần làm ổn định chính trị – xã hội, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế – xã hội, văn hoá của đất nước.

– Về lĩnh vực xuất bản: Nhịp độ phát triển chung của toàn ngành liên tục tăng qua từng năm cả về tên sách và số lượng bản sách. Cơ cấu đề tài giữa các loại sách phân bố tương đối hợp lý, chất lượng nội dung từng bước được nâng cao, đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng đa dạng của nhân dân và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của đất nước. Cơ sở vật chất và nhân lực được tăng cường, điều kiện làm việc của người lao động từng bước được cải thiện.

Có thể khẳng định rằng, từ một nước thiếu sách, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có nền xuất bản độc lập, tự chủ, quy mô và tốc độ phát triển ngày càng cao, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

– Về lĩnh vực in: Đã có bước phát triển mạnh về số lượng và chất lượng ở tất cả các giai đoạn công nghệ: trước in, in và sau in. Các cơ sở in trang bị đồng bộ các dây chuyền in hiện đại như máy in oppset nhiều màu thế hệ mới, hệ thống thiết bị chế bản hiện đại và kỹ thuật đóng sách bằng keo dán tổng hợp… Sản lượng sản phẩm ngành in bình quân hàng năm tăng hơn 10%. Chất lượng các sản phẩm in có bước phát triển nhanh. Qua các cuộc triển lãm sách trong nước và quốc tế, hình thức và kỹ thuật in sách của Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực.

– Về lĩnh vực phát hành: Vượt qua những khó khăn, thử thách trong cơ chế thị trường, hoạt động phát hành sách dần dần đi vào thế ổn định, thích ứng với cơ chế thị trường và hoạt động có hiệu quả. Các cơ sở phát hành sách đã chủ động tìm tòi hình thức hoạt động phù hợp, khôi phục được mạng lưới tổ chức và kinh doanh có lãi để tích lũy mở rộng quy mô sản xuất và cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên. Hoạt động xuất, nhập khẩu sách tích cực và chủ động khôi phục thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới, phục vụ tốt nhiệm vụ công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

1.2. Những mặt hạn chế:

– Nhìn chung quy mô, năng lực sản xuất và kinh doanh của toàn ngành còn nhỏ bé, trình độ công nghệ còn lạc hậu, chưa theo kịp các nước tiên tiến trong khu vực.

– Khuynh hướng thương mại hoá tiếp tục tác động xấu đến hoạt động của một số nhà xuất bản, đặc biệt đối với những nhà xuất bản có quy mô nhỏ, năng lực yếu kém, bị tư nhân thao túng, dẫn đến xuất bản những loại sách “hàng chợ”, chất lượng thấp. Tình trạng vi phạm các quy định về pháp luật xuất bản và không thực hiện đúng quy trình biên tập dẫn đến sai phạm về nội dung vẫn chưa được khắc phục.

– Do công tác quy hoạch và quản lý ngành in thiếu chặt chẽ, nên số lượng cơ sở in quá nhiều, gây ra tình trạng “cung vượt cầu”, cạnh tranh thiếu lành mạnh với hình thức hạ giá công in, in lậu, trốn thuế, vi phạm những quy định pháp luật về xuất bản. Đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật lành nghề thiếu về số lượng và không đáp ứng được yêu cầu của công nghệ in hiện đại.

– Mạng lưới phát hành sách phát triển không đều ở các vùng, miền trong cả nước, chủ yếu tập trung ở các đô thị, thành phố lớn, còn ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc chưa được chú trọng, sách đến còn ít. Phát hành sách Nhà nước đôi khi còn lúng túng về phương thức hoạt động, chưa đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống phát hành, cá biệt ở một số khu vực còn bị phát hành sách tư nhân chèn ép.

2. Yêu cầu sửa đổi Luật Xuất bản năm 1993

Luật Xuất bản được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 07 tháng 7 năm 1993 và được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 19 tháng 7 năm 1993.

Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động xuất bản (bao gồm cả in và phát hành xuất bản phẩm), phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của đất nước và góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật Xuất bản năm 1993 đã bộc lộ một số hạn chế sau:

– Một số quy định của Luật hiện hành còn mang tính nguyên tắc chung, chưa được cụ thể hoá nên rất khó thực hiện trong thực tiễn.

– Hơn 10 năm qua, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước ta đã có những biến đổi nhanh chóng. Trong hoạt động xuất bản đã xuất hiện nhiều quan hệ xã hội mới, nhiều hiện tượng mới phát sinh mà những quy định của Luật Xuất bản hiện hành không điều chỉnh được hoặc không đồng bộ với những văn bản luật trên các lĩnh vực có liên quan, nên gây khó khăn, vướng mắc cho công tác quản lý và tổ chức thực hiện.

– Mặt khác, trước yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa qua Đảng và Nhà nước đã ban hành một số văn bản liên quan đến hoạt động xuất bản để điều chỉnh từng mặt hoạt động xuất bản như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khoá IX), Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài…Một số nội dung trong các văn bản nói trên có nhiều khác biệt so với một số điều khoản của Luật Xuất bản năm 1993, nên cần phải sửa đổi Luật Xuất bản cho phù hợp với các văn bản đó.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển đúng định hướng trong thời kỳ mới, đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đề cao trách nhiệm và quyền hạn của các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản, yêu cầu sửa đổi Luật Xuất bản hiện hành, tăng cường khung pháp luật về hoạt động này là rất cần thiết và đáp ứng đòi hỏi thực tiễn.

Ngày 03/12/2004, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Luật Xuất bản và được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố số 26/2004/L/CTN ngày 14/12/2004.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO TRONG VIỆC XÂY DỰNG LUẬT XUẤT BẢN (SỬA ĐỔI)

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản trên cơ sở quán triệt những quan điểm chỉ đạo sau đây:

1. Thể chế hoá các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động xuất bản thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Chỉ thị số 22/CT-TW ngày 17/10/1997 của Bộ Chính trị “Về việc tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản”, Chỉ thị số 42/CT-TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển đúng định hướng chính trị của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý xuất bản và chất lượng xuất bản phẩm.

2. Bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.

3. Kế thừa những quy định còn phù hợp trong Luật Xuất bản năm 1993, bổ sung những vấn đề mới do thực tiễn và yêu cầu phát triển hoạt động xuất bản đặt ra, cụ thể hoá những quy định mang tính nguyên tắc và sửa đổi những quy định lạc hậu hoặc thiếu tính khả thi.

4. Thể hiện tinh thần cải cách hành chính theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính, hình thành cơ chế quản lý mới, phân định rõ và đề cao trách nhiệm, quyền hạn, tính chủ động, sáng tạo của các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản, in, phát hành.

III. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT XUẤT BẢN (SỬA ĐỔI)

Luật Xuất bản (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2005, thay thế Luật Xuất bản ngày 07 tháng 7 năm 1993, bao gồm 5 Chương với 46 điều. Luật Xuất bản năm 1993 gồm 6 Chương, 45 điều; Luật Xuất bản (sửa đổi) bỏ Chương II “Quyền, nghĩa vụ của công dân và tổ chức đối với hoạt động xuất bản”, chương IV “Quản lý nhà nước về xuất bản”, chương V “Khen thưởng và xử lý vi phạm” vì đã đưa những nội dung cơ bản của các chương này vào một số điều ở chương I “Những quy định chung” hoặc đã được quy định ở các Luật khác; chia chương III “Tổ chức và hoạt động xuất bản” thành 3 chương: chương II “Lĩnh vực xuất bản”, chương III “Lĩnh vực in xuất bản phẩm”, chương IV “Lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm”; bỏ một số điều của Luật Xuất bản năm 1993 đã lạc hậu, bổ sung một số điều mới; các điều còn lại đều được sửa đổi và bổ sung.

Chính vì Luật Xuất bản năm 1993 được sửa đổi một cách cơ bản và toàn diện như vậy, nên không lấy tên là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản mà gọi là Luật Xuất bản với những nội dung cụ thể như sau:

Chương I: Những quy định chung

Gồm 10 điều, từ Điều 1 đến Điều 10 quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Xuất bản, giải thích từ ngữ, quy định những vấn đề chung, mang tính nguyên tắc của hoạt động xuất bản và khái niệm xuất bản phẩm; Nhà nước bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm và bảo hộ quyền tác giả; các chính sách phát triển sự nghiệp xuất bản; cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản; nội dung quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản; khiếu nại, tố cáo trong hoạt động xuất bản và những hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản.

Chương II: Lĩnh vực xuất bản

Gồm 20 điều từ Điều 11 đến Điều 30 quy định các vấn đề về lĩnh vực xuất bản, như: đối tượng được thành lập, điều kiện thành lập và cấp giấy phép thành lập nhà xuất bản; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản nhà xuất bản; tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của giám đốc, tổng biên tập, biên tập viên nhà xuất bản; việc thay đổi cơ quan chủ quản, tên gọi của cơ quan chủ quản cũng như tên gọi, tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ và trụ sở của nhà xuất bản; đặt văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài tại Việt Nam; đăng ký kế hoạch xuất bản; quyền tác giả; liên kết trong lĩnh vực xuất bản; thẩm định xuất bản phẩm trước khi tái bản; xuất bản tài liệu không kinh doanh của cơ quan, tổ chức Việt Nam và tác phẩm, tài liệu của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; hoạt động xuất bản trên mạng thông tin máy tính (Internet); ghi thông tin trên xuất bản phẩm; việc nộp xuất bản phẩm lưu chiểu và nộp xuất bản phẩm cho Thư viện Quốc gia; đọc xuất bản phẩm lưu chiểu; quảng cáo trên xuất bản phẩm; xử lý vi phạm trong lĩnh vực xuất bản.

Chương III: Lĩnh vực in xuất bản phẩm

Gồm 6 điều từ Điều 31 đến Điều 36 quy định các vấn đề về lĩnh vực in xuất bản phẩm như: cấp giấy phép hoạt động in; điều kiện nhận in; hoạt động của cơ sở in; in gia công xuất bản phẩm cho nước ngoài; phát hiện xuất bản phẩm vi phạm trong quá trình in và xử lý vi phạm trong lĩnh vực in xuất bản phẩm.

Chương IV: LĨNH VỰC PHÁT HÀNH XUẤT BẢN PHẨM

Gồm 8 điều từ Điều 37 đến Điều 44 quy định các vấn đề về lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, bao gồm: hoạt động phát hành xuất bản phẩm; cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm; kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm; nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; xuất khẩu xuất bản phẩm; triển lãm và hội chợ xuất bản phẩm; hợp tác với nước ngoài về phát hành xuất bản phẩm và xử lý vi phạm trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm.

Chương V: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Gồm 2 điều, Điều 45 và Điều 46 quy định về hiệu lực thi hành của Luật Xuất bản. Đồng thời, giao trách nhiệm cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.

IV. Một số nội dung cơ bản của Luật Xuất bản

1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật Xuất bản (Điều 1, Điều 2)

Kế thừa các quy định của Luật Xuất bản năm 1993 và có sửa đổi, bổ sung thêm các quy định để phù hợp với tình hình mới, Luật Xuất bản (sửa đổi) quy định về tổ chức và hoạt động xuất bản; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản. Hoạt động xuất bản bao gồm các lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm. Cũng như Luật Xuất bản năm 1993, Luật Xuất bản (sửa đổi) vẫn điều chỉnh cả ba lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, nhưng có sự khác biệt là: điều chỉnh toàn diện lĩnh vực xuất bản, còn lĩnh vực in và phát hành chỉ điều chỉnh khi liên quan đến xuất bản phẩm.

Về đối tượng áp dụng, Luật Xuất bản áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân Việt Nam; tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

2. Vị trí, mục đích của hoạt động xuất bản (Điều 3)

Xác định rõ vị trí, vai trò của hoạt động xuất bản là công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực văn hoá tư tưởng và những đóng góp của hoạt động xuất bản trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vì vậy Điều 3 Luật Xuất bản qui định: Hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hoá, tư tưởng thông qua việc sản xuất, phổ biến những xuất bản phẩm đến nhiều người nhằm giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, giá trị văn hoá dân tộc và tinh hoa văn hoá nhân loại, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, mở rộng giao lưu văn hoá với các nước, phát triển kinh tế – xã hội, đấu tranh chống mọi tư tưởng và hành vi làm tổn hại lợi ích quốc gia, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

3. Về khái niệm “Xuất bản phẩm” (Điều 4)

Lần đầu tiên khái niệm “Xuất bản phẩm” được quy định một cách cụ thể, rõ ràng và có sự phân biệt rõ với các loại hình khác không được coi là xuất bản phẩm, góp phần đảm bảo sự nhận thức thống nhất, tránh sự mâu thuẫn trong quá trình thực thi Luật của các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, các nhà xuất bản, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này cũng như toàn dân. Theo đó, xuất bản phẩm là tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn học, nghệ thuật được xuất bản bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài và còn được thể hiện bằng hình ảnh, âm thanh trên các vật liệu, phương tiện kỹ thuật khác nhau.

“Tài liệu” được quy định trong Luật Xuất bản bao gồm tài liệu tuyên truyền, cổ động, hướng dẫn học tập, thi hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; phòng chống thiên tai, dịch bệnh; kỷ yếu hội thảo.

Băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình chỉ được coi là xuất bản phẩm khi được Nhà xuất bản xuất bản hoặc có nội dung thay cho sách.

4.Về bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm và bảo hộ quyền tác giả (Điều 5)

Để hoạt động xuất bản phát huy được mọi tiềm năng, góp phần bảo đảm quyền tự do xuất bản, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tác giả và để Luật Xuất bản phù hợp với hệ thống các văn bản pháp luật của Nhà nước mới ban hành (Luật Báo chí), Nhà nước khẳng định việc bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm dưới hình thức xuất bản phẩm thông qua nhà xuất bản và bảo hộ quyền tác giả. Đồng thời, Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản. Không một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được lợi dụng quyền phổ biến tác phẩm làm thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản (Điều 7)

Để thống nhất quản lý hoạt động xuất bản trong cả nước, Luật Xuất bản qui định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản trong phạm vi cả nước. Bộ Văn hoá – Thông tin là cơ quan chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý về hoạt động xuất bản. Các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Văn hoá – Thông tin thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản theo thẩm quyền. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản tại địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ.

6. Về khiếu nại, tố cáo trong hoạt động xuất bản (Điều 9)

Cụ thể hoá quy định của Hiến pháp năm 1992 về bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; phát huy mạnh mẽ tinh thần dân chủ tập thể, tính tích cực, chủ động, kịp thời giám sát và đấu tranh với các hành vi trái pháp luật trong hoạt động xuất bản, Luật Xuất bản quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại các quyết định, hành vi trái pháp luật; cá nhân có quyền tố cáo các hành vi trái pháp luật trong hoạt động xuất bản. Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khiếu nại, tố cáo của mình. 

Đối với xuất bản phẩm có nội dung sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức được phép xuất bản, tác giả cải chính trên báo chí, bồi thường thiệt hại, khởi kiện về dân sự hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền khởi tố về hình sự.

7. Các hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản (Điều 10)

Với mục đích nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành nghiêm túc pháp luật về xuất bản của mỗi cơ quan, tổ chức và cá nhân công dân, tránh những biểu hiện lệch lạc, không đúng định hướng của Đảng và Nhà nước về hoạt động xuất bản, lợi dụng hoạt động xuất bản để phục vụ cho lợi ích cá nhân hoặc âm mưu chống đối của các thế lực thù địch, xâm hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, Luật Xuất bản quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản là:

– Tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;

– Tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi truỵ, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;

– Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định;

– Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

8. Về đối tượng và điều kiện được thành lập nhà xuất bản (Điều 11, 12)

Luật Xuất bản (sửa đổi) đã quy định theo hướng vừa mở rộng đối tượng được thành lập nhà xuất bản so với Luật Xuất bản năm 1993, vừa giao quyền cho Chính phủ căn cứ vào quy hoạch phát triển ngành xuất bản để cho phép thành lập nhà xuất bản mà không phải sửa đổi Luật Xuất bản. Theo đó, đối tượng được thành lập nhà xuất bản là các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức khác do Chính phủ quy định. Tổ chức và hoạt động của nhà xuất bản theo loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện hoặc đơn vị sự nghiệp có thu.

Việc thành lập nhà xuất bản phải đảm bảo đủ các điều kiện sau: Có tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản; Có người lãnh đạo nhà xuất bản và đội ngũ biên tập viên đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Xuất bản (khoản 1, Điều 14 và Điều 15); Trong các chức danh lãnh đạo nhà xuất bản phải có ít nhất một người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản từ ba năm trở lên; Có trụ sở hoạt động, vốn và các điều kiện cần thiết khác theo quy định của pháp luật; Phù hợp với quy hoạch phát triển sự nghiệp xuất bản toàn quốc, quy hoạch của từng ngành, từng địa phương.

9. Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản nhà xuất bản và tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của giám đốc, tổng biên tập, biên tập viên nhà xuất bản (Điều 13, 14, 15)

Luật Xuất bản (sửa đổi) đã giao quyền chủ động thực hiện nhiệm vụ xuất bản cho cơ quan chủ quản, giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản. Đồng thời cũng quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan và cá nhân đó đối với những nhiệm vụ được giao.

Một điểm mới của Luật Xuất bản (sửa đổi) là quy định cụ thể tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của biên tập viên nhà xuất bản, vì đây là một khâu rất quan trọng để bảo đảm chất lượng của các xuất bản phẩm. Theo đó, biên tập viên nhà xuất bản là công dân Việt Nam; có đăng ký hộ khẩu thường trú tại Việt Nam; có trình độ đại học, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về xuất bản và phẩm chất chính trị, đạo đức tốt. Biên tập viên nhà xuất bản được đứng tên trên xuất bản phẩm; có quyền khước từ biên tập những tác phẩm mà nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xuất bản và báo cáo với giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản; chịu trách nhiệm trước giám đốc nhà xuất bản và trước pháp luật về nội dung xuất bản phẩm do mình biên tập.

10. Việc đăng ký kế hoạch xuất bản và đăng ký kế hoạch nhập khẩu xuất bản phẩm (Điều 18, 39)

 Luật Xuất bản năm 1993 quy định kế hoạch xuất bản của các nhà xuất bản và kế hoạch nhập khẩu xuất bản phẩm phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản và chỉ được thực hiện sau khi cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy chấp nhận đăng ký kế hoạch.

Để giảm bớt thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà xuất bản, các cơ quan phát hành xuất bản phẩm chủ động trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, Luật Xuất bản (sửa đổi) bỏ quy định về việc chấp nhận đăng ký kế hoạch xuất bản và chấp nhận đăng ký kế hoạch nhập khẩu xuất bản phẩm. Hàng năm, nhà xuất bản và cơ sở phát hành chỉ đăng ký kế hoạch với Bộ Văn hoá – Thông tin trước khi xuất bản và nhập khẩu xuất bản phẩm.

11. Về vấn đề xã hội hoá trong hoạt động xuất bản (Điều 20)

Góp phần huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào mọi lĩnh vực của hoạt động xuất bản, Luật Xuất bản (sửa đổi) cho phép nhà xuất bản được liên kết trong cả ba lĩnh vực xuất bản, in, phát hành từng xuất bản phẩm, trong khi Luật Xuất bản năm 1993 chỉ cho phép tư nhân liên doanh trong lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm. Đồng thời quy định cụ thể đối tác liên kết là tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, cá nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về in và phát hành xuất bản phẩm và tổ chức có tư cách pháp nhân để tổ chức bản thảo, in và phát hành từng xuất bản phẩm. Trong lĩnh vực xuất bản, các đối tác liên kết được tham gia vào khâu tổ chức bản thảo, giám đốc nhà xuất bản phải tổ chức biên tập hoàn chỉnh và ký duyệt bản thảo trước khi đưa in, ký duyệt xuất bản phẩm liên kết trước khi phát hành.

12. Về việc thẩm định nội dung xuất bản phẩm (Điều 21)

Luật Xuất bản năm 1993 quy định đối với những tác phẩm cần thẩm định nội dung khi đăng ký kế hoạch xuất bản thì nhà xuất bản và cơ quan chủ quản nhà xuất bản phải có nhận xét, đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản có thẩm quyền tổ chức thẩm định và tổ chức xuất bản, tái bản.

Để giảm bớt thủ tục hành chính và tạo điều kiện để nhà xuất bản chủ động trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch xuất bản, Luật Xuất bản (sửa đổi) giao việc thẩm định những tác phẩm cần thẩm định cho nhà xuất bản. Luật cũng quy định những tác phẩm nếu nội dung có dấu hiệu vi phạm những quy định tại Điều 10 (về các hành vi bị cấm) thì nhà xuất bản phải tổ chức thẩm định trước khi đăng ký kế hoạch xuất bản, bao gồm: Tác phẩm xuất bản trước Cách mạng tháng Tám năm 1945; Tác phẩm xuất bản từ năm 1945 đến năm 1954 trong vùng bị tạm chiếm; Tác phẩm xuất bản từ năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 ở miền Nam Việt Nam không do Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam cho phép; Tác phẩm xuất bản ở nước ngoài.

13. Về việc đặt văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài và văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm (Điều 24, 43)

Luật Xuất bản năm 1993 không cho phép các nhà xuất bản và tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài được đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Để phù hợp xu thế mở cửa và hội nhập với khu vực và thế giới, tăng cường năng lực cạnh tranh trong hoạt động xuất bản của Việt Nam, Luật Xuất bản (sửa đổi) cho phép các nhà xuất bản, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài được phép đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam và phải được Bộ Văn hoá – Thông tin cấp giấy phép.

14. Về xuất bản trên mạng thông tin máy tính (Internet)

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ, mạng thông tin máy tính (Internet) ra đời, phát triển rất nhanh và dần chiếm lĩnh thị trường xuất bản bằng việc cho xuất hiện các xuất bản phẩm trên mạng. Để kịp thời điều chỉnh vấn đề này (Luật Xuất bản năm 1993 chưa quy định về hình thức xuất bản này), Luật Xuất bản (sửa đổi) quy định việc xuất bản trên mạng thông tin máy tính phải do nhà xuất bản thực hiện và phải tuân theo quy định của Luật Xuất bản. Chỉ những xuất bản phẩm lưu hành hợp pháp mới được đưa lên mạng thông tin máy tính. Việc đưa xuất bản phẩm lên mạng thông tin máy tính được thực hiện theo qui định của Chính phủ.

15. Về quảng cáo trên xuất bản phẩm (Điều 29)

Luật Xuất bản năm 1993 chưa quy định về những nội dung được quảng cáo trên xuất bản phẩm. Thực tiễn những năm qua cho thấy quảng cáo là một hoạt động khá phát triển, kể cả trong lĩnh vực xuất bản. Pháp lệnh Quảng cáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2001 cũng đã phát huy tác dụng tích cực, điều chỉnh một số nội dung quảng cáo trên xuất bản phẩm. Vì lẽ đó, để phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và tạo lập khung pháp lý đồng bộ, thống nhất, Luật Xuất bản (sửa đổi) đã xây dựng một điều mới quy định về việc quảng cáo trên xuất bản phẩm. Theo đó, đối với sách chỉ được quảng cáo về tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản trên bìa hai, ba và bốn, trừ sách chuyên về quảng cáo. Đối với tài liệu không kinh doanh chỉ được quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ và hoạt động của cơ quan, tổ chức xuất bản tài liệu đó. Đối với hàng hoá, dịch vụ mà pháp luật cấm quảng cáo thì không được quảng cáo.

16. Xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản (Điều 30, 36, 44)

Đối với từng lĩnh vực cụ thể của hoạt động xuất bản gồm xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm, Luật Xuất bản (sửa đổi) quy định cụ thể những hành vi vi phạm và các hình thức xử lý tương ứng để cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, các nhà xuất bản, các cơ sở in và phát hành xuất bản phẩm thực hiện. Điều này một mặt bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, mặt khác có tác dụng phòng ngừa, răn đe kịp thời và hiệu quả đối với những hành vi vi phạm trong hoạt động này.

17. Về việc tiếp tục phân cấp quản lý cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 31, 42)

Luật Xuất bản năm 1993 quy định việc cấp giấy phép hoạt động cho các nhà xuất bản, các cơ sở in xuất bản phẩm và giấy phép tổ chức triển lãm, hội chợ đều thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hoá – Thông tin.

Thực hiện chủ trương cải cách hành chính, phân cấp mạnh mẽ cho UBND cấp tỉnh, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất bản, Luật Xuất bản (sửa đổi) quy định về vấn đề này như sau:

– Bộ Văn hoá – Thông tin cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở in của Trung ương và cấp giấy phép tổ chức triển lãm, hội chợ cho cơ quan, tổ chức ở Trung ương; tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế.

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở in xuất bản phẩm của địa phương, kể cả giấy phép in gia công cho nước ngoài và cấp giấy phép tổ chức triển lãm, hội chợ, giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh (xuất bản nhất thời) cho cơ quan, tổ chức, cá nhân của địa phương, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức của Trung ương đóng tại địa phương.

18. Về hoạt động phát hành xuất bản phẩm (Điều 37)

Kế thừa quy định của Luật Xuất bản năm 1993 và có bổ sung nội dung mới cho phù hợp với thực tế, Luật Xuất bản (sửa đổi) quy định hoạt động phát hành xuất bản phẩm bao gồm các hình thức mua, bán, phân phát, cho thuê, triển lãm, hội chợ, xuất khẩu, nhập khẩu xuất bản phẩm và đưa xuất bản phẩm lên mạng thông tin máy tính (Internet) để phổ biến đến nhiều người.

Cơ sở phát hành xuất bản phẩm là cơ sở của tổ chức, cá nhân kinh doanh xuất bản phẩm. Nhà xuất bản được thành lập cơ sở phát hành xuất bản phẩm.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN LUẬT XUẤT BẢN

Để Luật Xuất bản phát huy vai trò tích cực trong việc hướng dẫn, điều chỉnh kịp thời các hoạt động xuất bản, góp phần đưa các quy định của Luật vào cuộc sống, Bộ Văn hoá – Thông tin phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai một số công việc sau:

1. Tuyên truyền Luật Xuất bản rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng;

2. Xây dựng, trình Chính phủ ban hành và ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc thi hành Luật Xuất bản;

3. Xuất bản Luật Xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài để cung cấp cho bạn đọc trong và ngoài nước;

4. Tổ chức các lớp tập huấn về Luật Xuất bản cho đội ngũ cán bộ quản lý xuất bản của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, cán bộ quản lý xuất bản của các cơ quan chủ quản và các nhà xuất bản; cán bộ lãnh đạo của các Sở Văn hoá – Thông tin, các nhà xuất bản, các cơ sở in và phát hành xuất bản phẩm; biên tập viên của các nhà xuất bản để nắm được nội dung và tổ chức thực hiện Luật Xuất bản. 

>>>>>>> Bài viết đáng quan tâm khác: Dịch vụ tư vấn thường xuyên được cung cấp bởi Vinalaw

——————–
𝑪𝒐̂𝒏𝒈 𝒕𝒚 𝑳𝒖𝒂̣̂𝒕 𝒉𝒐̛̣𝒑 𝒅𝒂𝒏𝒉 𝑽𝒊𝒆̣̂𝒕 𝑵𝒂𝒎 (𝑽𝒊𝒏𝒂𝒍𝒂𝒘 𝑭𝒊𝒓𝒎)

Với slogan: “Là điểm tựa của niềm tin”

??Phương châm làm việc: “Đừng bận tâm vì các vấn đề pháp lý của Quý khách hàng chính là công việc của chúng tôi”.
??Vinalaw luôn hoạt động với tôn chỉ đề cao pháp luật, uy tín, trung thực, bảo đảm lợi ích cao nhất của khách hàng trước pháp luật.
———————–
? Call: 028.629.119.20 (Liên hệ tư vấn miễn phí).
———————–
? Số 17 Trần Khánh Dư, Phường Tân Định, Quận 1, Hồ Chí Minh.
? 𝑭𝒂𝒄𝒆𝒃𝒐𝒐𝒌: fb.com/Vinalaw.vn
? 𝑾𝒆𝒃𝒔𝒊𝒕𝒆: www.vinalaw.vn
? 𝑬𝒎𝒂𝒊𝒍: info@vinalaw.vn